MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH

Giữ quy định thời gian phát biểu tối đa 7 phút của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể

Phạm Đông LDO | 12/05/2022 11:10

Sáng 12.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giữ quy định hiện hành về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể của Quốc hội không quá 7 phút.

Thẩm tra sơ bộ dự thảo nghị quyết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội. Nội dung của dự thảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự thảo nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5) đáp ứng yêu cầu, sớm hơn so với tiến độ quy định.

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo nghị quyết. Đồng thời, nhấn mạnh việc ban hành nội quy kỳ họp (sửa đổi) lần này phải bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chủ động trong hoạt động của Quốc hội, tăng cường tính tranh luận.

Việc sửa đổi cũng nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp; đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với nhân dân.

Liên quan đến một số nội dung cụ thể còn ý kiến khác nhau, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giữ quy định hiện hành về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể của Quốc hội không quá 7 phút.

Điều này nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội chủ động trong việc chuẩn bị nội dung phát biểu, có đủ thời gian để phân tích, trình bày lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút để giúp mỗi phiên họp có nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu hơn.

Trong quá trình điều hành thảo luận tại hội trường, chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận cũng như để có nhiều đại biểu hơn được tham gia thảo luận.

Tuy nhiên, đề nghị làm rõ và quy định cụ thể các trường hợp chủ tọa có quyền quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu (không quy định chung là “khi cần thiết” nhằm bảo đảm minh bạch, thống nhất trong quá trình thực hiện).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội – một văn bản có ý nghĩa rất quan trọng quyết định chất lượng hoạt động Quốc hội.

“Thậm chí, về lâu dài có thể xây dựng thành luật về tổ chức kỳ họp Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói. Đã có tới 6 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, bà Nga cho rằng không nên rút ngắn thời gian phát biểu xuống còn 5 phút, vì như thế là quá ngắn để đại biểu có thể lập luận đầy đủ vấn đề cần nói.

“Trước đây, thời gian phát biểu của đại biểu từng được quy định là 20 phút, hiện tại vẫn nên giữ 7 phút, nếu đại biểu nào đã đăng ký mà không còn thời gian phát biểu thì gửi ý kiến cho đoàn thư ký tổng hợp”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị giữ thời gian phát biểu dành cho đại biểu Quốc hội là 7 phút.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở nguyên tắc mở rộng dân chủ được quán triệt như thế nào? Ví dụ như dự thảo nội quy quy định đại biểu không được chất vấn quá 2 lần có hợp lý không, trong khi chúng ta đang muốn có một Quốc hội tranh luận. Ngược lại, làm thế nào để quyền phát biểu của đại biểu không ảnh hưởng đến công tác điều hành kỳ họp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn