MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một người chơi đạt thưởng "khủng" từ một giải đấu được tổ chức tại Loyal Poker Club - D2 Giảng Võ. Ảnh: CLB.

Giữa tâm “bão” nghi ngại, Hà Nội vẫn muốn lập riêng Hội chơi Poker

Long Nguyễn LDO | 30/07/2017 13:08
Giữa lúc Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam còn đang loay hoay, chưa biết phải làm sao với 4 CLB thành viên có truyền thống chống lệnh, thì một nguồn tin của PV Báo Lao Động khẳng định, Hà Nội cũng đang muốn lập Hội Bridge & Poker cho riêng mình. Thông tin trên khiến nhiều người nghi ngại...

Tính đến tháng 5.2017, thời điểm Báo Lao Động tăng tải loạt bài đầu tiên chỉ rõ nguy cơ biến tướng sang cờ bạc của trò chơi sử dụng bài lá có tên Poker, trên cả nước chỉ có 2 CLB Poker chính thức hoạt động và đều thuộc Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam. Thế nhưng sau 2 tháng, cả nước đã có tới 5 CLB được cấp phép, trong đó 4 của Hiệp hội và 1 của Hội Bridge & Poker tỉnh Thái Nguyên, chưa kể nhiều tỉnh thành khác được dự đoán cũng sắp có Hội riêng như Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh…

Đáng chú ý, xét về mặt địa lý, cả 4 CLB trực thuộc Hiệp hội là Win Poker (67 Phó Đức Chính), Loyal Poker (D2 Giảng Võ), King Poker (319 Tây Sơn) và Capital Poker (136 Hàng Trống) đều nằm trên địa bàn 4 quận nội thành Hà Nội. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, bất chấp những khuyến cáo và lo ngại của giới tri thức và ngay cả của các cơ quan quản lý nhà nước, những người chơi Poker tại Thủ đô đang có những hoạt động rất mạnh để thành lập hội cho riêng mình.

Văn bản vừa ban hành ngày 19.7 của Hiệp hội Bridge & Poker VN đề nghị siết chặt quy chế hoạt động. Ảnh: LN.

Theo nguồn tin riêng của PV Báo Lao Động, việc lập hội là để dễ bề hoạt động, không cần quá phụ thuộc vào quan điểm (về lý thuyết là) khá chặt chẽ của Hiệp hội. Thực vậy, trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi có sự lên tiếng của Báo Lao Động và nhiều cơ quan truyền thông khác, tổ chức này đã liên tục ban hành các văn bản siết chặt quy chế hoạt động gửi đến các CLB thành viên, trong đó nổi bật là yêu cầu ngưng các hoạt động đóng phí - lãnh thưởng.

Tuy nhiên, trên thực tế, cách các CLB thực hiện chỉ đạo chắc chắn sẽ khiến những người có trách nhiệm phiền lòng, bởi cả trước và sau khi có văn bản yêu cầu, cả 4 CLB vẫn thường xuyên tổ chức các giải đấu mà người chơi muốn nhập cuộc phải đóng trực tiếp bằng tiền mặt (từ vài trăm đến hàng triệu đồng) và sau đó nếu thắng, sẽ nhận lại phần thưởng cũng bằng tiền mặt.

Một số CLB thì biến báo đôi chút, gọi các "trận đấu" thành "tập huấn"; gọi "mức đóng phí" thành "lệ phí sinh hoạt"... tuy nhiên, bản chất vẫn là hình thức đóng phí - lãnh thưởng đã bị Hiệp hội "tuýt còi" từ gần 3 tháng trước.

"Mức đóng phí" lượt chơi đã được biến tấu thành "thành lệ phí sinh hoạt" để phù hợp nhưng về bản chất không có gì thay đổi. Ảnh chụp màn hình.

Để làm rõ hơn những thông tin này, PV đã có buổi trao đổi với ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao (VHTT) Hà Nội. Ông Động xác nhận thông tin trên và cho biết, về nguyên tắc, việc lập hội là không sai và được pháp luật bảo hộ.

“Lập Hội về mặt pháp lý thì chẳng có gì sai, nhưng nên hay không nên thì lại là chuyện khác, đòi hỏi các nhà quản lý phải xem xét. Chúng tôi cũng đang thận trọng. Đối với một loại hình nhạy cảm như thế này, dễ biến tướng như thế này thì việc lập Hội phải hết sức thận trọng” - ông Động nói.

Ở góc độ cá nhân, ông Động cho rằng, Poker là bộ môn nhạy cảm, rất dễ biến tướng và cơ bản nếu hoạt động là sẽ biến tướng chứ không đơn thuần là chơi thể thao...

Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội. Ảnh: TP.

Nói về chuyện ở Thái Nguyên, khi Hội Poker của tỉnh này đã được thành lập và chẳng có chút phụ thuộc nào vào Hiệp hội, người đứng đầu ngành Thể thao tại Hà Nội khẳng định, sẽ không bao giờ có chuyện Hội "ly khai" được Hiệp hội.

"Tất cả phải theo ngành dọc. Nếu Hội không nghe Hiệp hội thì đề nghị Hiệp hội có văn bản gửi cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước sẽ theo đó mà áp xuống. Nếu không quản lý được, thì "ông" quản lý về mặt nhà nước trên địa bàn phải chịu trách nhiệm" -  ông Động cho biết.

Nói thêm về hoạt động Poker tại Hà Nội, ông Động khẳng định, từ nhiều tháng nay, ông đã phát hiện thấy những bất cập và nguy cơ biến tướng tại bộ môn này nên đã có văn bản kiến nghị lên Tổng cục Thể dục Thể thao, UBND TP.Hà Nội cũng Công an TP.Hà Nội để cùng giám sát... 

"Bức bình phong" Bridge

Cần phải nói rõ, Bridge và Poker là 2 trò chơi hoàn toàn khác nhau, điểm chung duy nhất giữa chúng là cùng sử dụng bộ bài tây 52 lá. Thế nhưng, trong các cuộc vận động để thành lập Hiệp hội TƯ, Hội địa phương hoặc ngay cả trong quá trình xin xác nhận CLB, những người vận động thường sử dụng "bức bình phong" Bridge để thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền. Đúng là Bridge đã được công nhận rộng rãi là môn thể thao trí tuệ và từng được tổ chức tại SEA Games nhưng Poker thì cần khẳng định cho rõ - là không.

Bản thân trò Poker - là thể thao hay cờ bạc, cho đến hiện tại vẫn đang gây cãi trên khắp thế giới và ngay tại cả những nước coi cờ bạc là hợp pháp như Mỹ, Úc hoặc Canada. Dầu vậy, qua thực tế quan sát, cả 5 CLB Poker đang hoạt động tại Việt Nam đều chỉ chơi Poker, không chơi Bridge.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn