MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo tại Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng "ế" vì tâm lý e ngại thanh tra

PHẠM ĐÔNG - CAO NGUYÊN LDO | 25/05/2024 09:29

Theo Đoàn giám sát của Quốc hội, việc hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỉ đồng đạt kết quả rất thấp, không đi vào thực tế cuộc sống, chủ yếu do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra (đặc biệt là doanh nghiệp).

Kết quả thực hiện gói hỗ trợ lãi suất đạt kết quả rất thấp

Sáng 25.5, tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên họp sáng 25.5. Ảnh: Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát.

Báo cáo đã đề cập đến việc hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỉ đồng qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng.

Tuy nhiên, số liệu thực hiện đến ngày 31.12.2023, số hỗ trợ lãi suất của chính sách đạt khoảng 1.218 tỉ đồng cho gần 2.300 khách hàng, chỉ bằng 3,05% gói hỗ trợ.

Trong khi đây là một trong những giải pháp được kỳ vọng rất lớn trong hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm chi phí kinh doanh, khôi phục sản xuất, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện đạt rất thấp, không đi vào thực tế cuộc sống. Đây là nội dung cần đánh giá kỹ, rút kinh nghiệm trong nghiên cứu, dự báo, đề xuất chính sách và tổ chức thực hiện chính sách.

Có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra

Theo báo cáo của Chính phủ, khách hàng đủ điều kiện nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách, chủ yếu do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra (đặc biệt là doanh nghiệp), cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất (phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Đồng thời, khách hàng có tâm lý lo ngại trường hợp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất do số tiền này đã được hạch toán vào lợi nhuận doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông.

Khó khăn trong việc xác định đối tượng khách hàng thuộc diện “có khả năng phục hồi” theo quy định tại Nghị quyết số 43 trong khi các văn bản hướng dẫn không có tiêu chí cụ thể.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội

Báo cáo cũng chỉ rõ, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động kinh doanh của các đối tượng ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nói riêng có nhiều chuyển biến so với thời điểm ban hành Nghị quyết số 43 và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường sau dịch COVID-19 dẫn đến nhu cầu được hỗ trợ có thể thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách (thay vì nhu cầu hỗ trợ lãi suất thì có nhu cầu được hỗ trợ trực tiếp hoặc giảm thuế, phí, lệ phí).

Qua giám sát cho thấy, công tác hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách còn nhiều lúng túng, chưa thực sự chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách, chưa kịp thời khắc phục, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách khi có vướng mắc phát sinh.

Đa số các doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn