MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ cháy nhà xưởng kinh hoàng trên địa bàn xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: C.N

Hà Nội: Báo động hàng loạt vụ cháy nhà xưởng, kho bãi

Cao Nguyên LDO | 31/07/2017 10:57
Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy, trong đó đáng chú ý là vụ cháy tại xưởng sản xuất bánh kẹo ở huyện Hoài Đức khiến 8 người tử vong. Hỏa hoạn xảy ra một lần nữa báo động tình trạng “cẩu thả” trong việc tuân thủ về PCCC của các chủ xưởng, chủ nhà kho, thậm chí tại các khu công nghiệp...

Thảm họa ập đến

Khoảng 11h ngày 29.7, tại một nhà xưởng trên địa bàn xã Đức Thượng, gần km19 quốc lộ 32 đã xảy ra một vụ cháy cực lớn. Nhiều nhân chứng cho hay vào thời điểm trên, họ bất ngờ phát hiện khói và lửa xuất hiện, sau đó lan nhanh và bao trùm toàn bộ nhà xưởng. Hàng chục công nhân bị mắc kẹt phía trong. Nhận được tin báo, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cùng nhiều xe cứu hỏa được điều đến hiện trường. Đến khoảng 12h, đám cháy được dập tắt. Toàn bộ khu xưởng sản xuất bị lửa thiêu rụi hoàn toàn. Đau xót hơn cả, 8 người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn đều rất trẻ, họ đều có quan hệ họ hàng với nhau và cả với chủ xưởng. Đến tối cùng ngày, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND. TP Hà Nội phối hợp với Bộ Công an sớm điều tra nguyên nhân vụ cháy ở Hoài Đức, báo cáo kết quả lên Thủ tướng. UBND TP Hà Nội cũng được yêu cầu khẩn trương thăm hỏi, khắc phục hậu quả, có biện pháp hỗ trợ kịp thời những nạn nhân và thân nhân người bị nạn.

Kết luận ban đầu của cơ quan chức năng cho hay, nguyên nhân cháy do lửa hàn bắn vào trần xốp. Các nạn nhân không kịp chạy thoát vì gác xép sập chặn cửa trước - lối ra vào duy nhất. Xưởng sản xuất do ông Trần Văn Được quê quán huyện Phúc Thọ, làm chủ. Ông Được thuê đất của ông Lợi, thôn Chiến, xã Đức Thượng, để sản xuất, xung quanh bịt kín bằng tôn, xưởng nằm trên mặt đường quốc lộ 32.

Liên quan đến việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, người thợ trực tiếp hàn xì đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Nhà xưởng sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Ghi nhận của phóng viên vào ngày 30.7, tại một số quận huyện trên địa bàn thủ đô Hà Nội như quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, huyện Hoài Đức… tập trung khá nhiều nhà xưởng, nhà kho có diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông. Hầu hết những nhà xưởng, nhà kho này được làm bằng khung thép, mái tôn trên đất dự án, đất trống xen lẫn khu dân cư làm nơi lưu giữ, trung chuyển hàng hóa,… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Điển hình, tại làng nghề sản xuất bánh kẹo La Phù (Hoài Đức), tại đây hoạt động mua bán rất nhộn nhịp. Đi sâu vào các ngõ, máy móc của các nhà xưởng sản xuất bánh kẹo hoạt động nhộn nhịp. Theo quan sát, phần lớn các nhà xưởng, nhà kho ở đây đều được làm bằng khung thép, mái tôn, bao bọc xung quanh. Trong các xưởng sản xuất, kho chứa hàng có rất nhiều đồ dễ cháy như giấy, xốp, bao tải nhựa… Tuy nhiên, phần lớn các xưởng, nhà kho ở đây không có một hệ thống báo cháy nào. Ngoài ra, các nhà kho, xưởng vẫn được xây dựng theo kiểu chuồng cọp, một lối thoát duy nhất.

Trao đổi với Lao Động, ông Tạ Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã La Phù (huyện Hoài Đức) cho hay, về việc PCCC trên địa bàn và đặc biệt là tại làng nghề sản xuất bánh kẹo La Phù, khoảng 2 - 3 tháng chính quyền có phối hợp với đơn vị PCCC để kiểm tra một lần. Theo ông Thắng, một số cơ sở không đáp ứng đều bị lập biên bản.

Một cán bộ PCCC Hà Nội cho hay, khi kiểm tra, những chủ xưởng, chủ kho có thể đảm bảo nhưng sau đó lại tiếp tục vi phạm như việc sắp xếp hàng hóa trong nhà xưởng, hàng hóa lấn chiếm lối thoát nạn, vi phạm khoảng cách PCCC, cản trở giao thông chữa cháy…

Các vụ cháy thường xảy ra tại các kho tạm được chủ cơ sở thuê thời gian ngắn từ 6 tháng - 1 năm, do vậy họ thường dựng khung thép, mái tôn gây khó khăn cho công tác quản lý của nhà nước về PCCC.

Một kho chứa bánh kẹo tại làng La Phù không có hệ thống PCCC, trong kho có chứa rất nhiều đố vật dễ gây cháy nổ. Ảnh: Cao Nguyên

Nguyên nhân do đâu?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho hay, hầu hết các nhà xưởng ở Hà Nội đều thiết kế theo kiểu bịt kín chỉ duy nhất một lối thoát là cửa chính. Khi xảy cháy người bên trong không có lối thoát hiểm, còn lực lượng chức năng muốn vào ứng cứu cũng gặp rất nhiều khó khăn…

Đại tá PGS-TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học PCCC - chia sẻ: Về nguyên tắc, để đảm bảo cho việc thoát hiểm khi có sự cố như cháy nổ xảy ra, các nhà kho, nhà xưởng cần phải có hai lối thoát. Thậm chí, càng nhiều lối thoát càng tốt. Trong quá trình xây dựng, tuyệt đối không bịt kín và dành một lối thoát (tức cửa kho, xưởng) duy nhất. Theo đại tá Xiêm: “Hiện nay, nhiều chủ xưởng, chưa nhận biết sâu sắc việc cháy nổ nên còn cẩu thả trong việc trang bị các thiết bị PCCC, chính vì vậy rất dễ dẫn đến những tai họa khó lường.

Để đảm bảo an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, đại tá Xiêm khuyến cáo chủ cơ sở, doanh nghiệp cần ý thức cao và làm tốt các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC như, thường xuyên giám sát nhắc nhở cán bộ công nhân viên thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC; nghiêm cấm các hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (thắp hương thờ cúng, hút thuốc, hóa vàng…) trong các nhà xưởng, kho hàng.

Đại tá Xiêm cũng thẳng thắn, hiện nay, một phần trong việc để xảy ra những sự cố đau lòng như thế này cũng là do cơ quan quản lý vẫn chưa làm hết trách nhiệm. Cao Nguyên.

Rà soát công tác phòng chống cháy nổ của các hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ

Ngày 30.7, thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (C66 - Bộ Công an) cho biết, cơ quan này vừa có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, nắm chắc số hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh không thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; đôn đốc, hướng dẫn chủ hộ khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy như: An toàn phòng cháy, chữa cháy hệ thống, thiết bị điện; bố trí sắp xếp vật tư, hàng hóa; quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; gia công, sửa chữa, hàn cắt kim loại; trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu… và đặc biệt phương án thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. T.S

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn