MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thành phố Hà Nội có 182 cơ sở nhà, đất thuộc danh mục phải sắp xếp lại, xử lý nhà, đất sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Hà Nội có 182 cơ sở, nhà đất thuộc danh mục phải sắp xếp sau sắp xếp huyện, xã

Vương Trần LDO | 28/02/2024 10:17

Dự kiến sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, TP Hà Nội sẽ giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã, có 182 cơ sở nhà, đất thuộc danh mục phải sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Trong giai đoạn 2023-2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí, tại 30 đơn vị hành chính cấp huyện, 579 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã: Thành phố Hà Nội có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.

Thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trình Bộ Nội vụ thống nhất thông qua.

Theo tìm hiểu ngày 28.2 của PV Lao Động, theo phương án tổng thể của thành phố, sau khi thực hiện việc sắp xếp, thành phố có 30 ĐVHC cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và dự kiến có 509 ĐVHC cấp xã (321 xã, 168 phường, 20 thị trấn), dự kiến giảm 70 ĐVHC cấp xã (54 xã, 15 phường, 1 thị trấn).

Theo đó, sau khi sắp xếp thành phố sẽ phải thực hiện bố trí lại trụ sở, tài sản công tương đối lớn.

Về việc này, UBND TP Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Trong thời gian qua UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát tổng thể các cơ sở nhà, đất được giao quản lý, sử dụng (trong đó bao gồm các cơ sở nhà, đất xử lý sau khi sắp xếp lại ĐVHC cấp huyện, xã), đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, để tổng hợp, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt theo đúng quy định và thẩm quyền.

Kết quả qua rà soát có 182 cơ sở nhà, đất thuộc danh mục phải sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. UBND các quận, huyện, thị xã đã lập danh mục và dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa bàn ĐVHC, cụ thể như sau: Dự kiến giữ lại tiếp tục sử dụng: 155; điều chuyển: 5; chuyển giao về địa phương xử lý: 22 cơ sở nhà, đất thuộc danh mục phải sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Nội dung liên quan tới sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng được nêu rõ tại Nghị quyết số: 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Theo đó, căn cứ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương, UBND cấp tỉnh lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án.

Các Bộ, cơ quan trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý, trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển giao cho UBND cấp tỉnh nơi có trụ sở để thực hiện sắp xếp, quản lý, sử dụng theo nhu cầu của địa phương.

Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại ĐVHC sau sắp xếp.

Việc bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công sau sắp xếp ĐVHC thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Chính quyền địa phương các cấp chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của ĐVHC hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn