MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VPQH

Hà Nội kiến nghị ban hành chế độ đặc thù về lương, phụ cấp với giáo viên

PHẠM ĐÔNG LDO | 23/03/2023 20:23
UBND TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành chính sách về chế độ đặc thù lương, phụ cấp đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức công tác tại các cơ quan quản lý ngành giáo dục.

Chiều 23.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Hà Nội về việc thực hiện nghị quyết số 88/20214/QH13 và NQ số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo Văn phòng Quốc hội, tại buổi làm việc, UBND thành phố nêu một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các Nghị quyết như: Quy hoạch mạng lưới trường học còn những bất cập do tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, phân bố không đều; nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được tiếp tục xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học.

UBND TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành chính sách về chế độ đặc thù lương, phụ cấp đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức công tác tại các cơ quan quản lý ngành GDĐT; Xem xét giao cho Bộ GDĐT định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể.

TP Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ xem xét quy định về độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; Đề nghị Bộ GDĐT tiếp tục tăng cường chỉ đạo tập huấn bồi dưỡng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tập trung vào các nội dung như phương pháp dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra đánh giá...

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, với công tác giáo dục và đào tạo của Thủ đô, thực tế yêu cầu rất cao nhưng khả năng đáp ứng hiện nay còn hạn chế, thể hiện ở việc thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, thiếu thiết bị về cả số lượng, chất lượng và cơ cấu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ xem xét ban hành chỉ thị riêng cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế hiện nay. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cho các quận, huyện, thị xã.

Đồng thời yêu cầu các dự án xây dựng về nhà ở cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội, trường học trước khi cho người dân vào ở.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Hà Nội đang triển khai xây dựng cơ chế tự chủ theo đơn giá, định mức và cơ chế đặt hàng trong lĩnh vực giáo dục, vấn đề thiếu giáo viên sẽ được hạn chế, cũng là điều kiện để thu hút đầu tư của xã hội cho giáo dục.

Bí thư Thành ủy đề nghị, cần quy định tỷ lệ trường học, biên chế giáo viên theo tình hình dân cư và tăng cường ứng dụng phương thức dạy học trực tuyến để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận. Ảnh: VPQH

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị UBND thành phố quan tâm chỉ đạo rà soát, đánh giá quy hoạch cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố để xem xét, điều chỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu người học.

Cùng với đó, bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện tốt Chương trình; quan tâm bố trí ngân sách để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... bảo đảm đủ điều kiện để triển khai chương trình có hiệu quả. Nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên; rà soát, đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới phù hợp.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhằm tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và xã hội về việc triển khai thực hiện chương trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn