MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: Hải Minh

Hà Nội kiến nghị nâng mức phạt vi phạm nồng độ cồn, tốc độ

PHẠM ĐÔNG LDO | 12/07/2024 14:17

TP Hà Nội kiến nghị nâng cao mức phạt đối với những hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ.

6 tháng xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông làm chết 5.343 người

Ngày 12.7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Theo Văn phòng Chính phủ, báo cáo tại hội nghị cho thấy, từ ngày 15.12.2023 đến ngày 14.6.2024, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người.

So với cùng kỳ năm 2023, số người tử vong do tai nạn giao thông giảm 10,61% nhưng số vụ tai nạn giao thông tăng 15,58% và số người bị thương tăng 34%.

Đặc biệt số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước; số vụ ùn, tắc giao thông trong các dịp cao điểm cũng được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Tại hội nghị, TP Hà Nội kiến nghị nâng cao mức phạt đối với những hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ…

TPHCM kiến nghị Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải có kịch bản với các tuyến cao tốc tại thành phố để tránh ùn tắc.

Các địa phương đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung xử lý những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như nồng độ cồn, sử dụng chất cấm, vi phạm tốc độ, quá tải, đi không đúng làn đường, phần đường…

Kiến nghị nâng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ. Ảnh: VGP

Tăng tính răn đe nhưng phải nằm trong khuôn khổ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ, số vụ tai nạn giao thông và người bị thương còn tăng, tạo gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội; còn xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng; số vụ chống người thi hành công vụ tăng gần 60%.

Ý thức của người tham gia giao thông chưa có chuyển biến lớn; vẫn còn tình trạng sử dụng rượu bia, chất cấm khi tham gia giao thông; không phải nơi nào cũng áp dụng tốt khoa học công nghệ, dành sự quan tâm thích đáng đến công tác bảo đảm TTATGT.

Bên cạnh đó, kinh phí xóa điểm đen, phát triển hạ tầng còn hạn chế; số người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông tăng, chủ yếu là trẻ em.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải ưu tiên từng bước chuyển biến ý thức của người tham gia giao thông và cả người không tham gia giao thông (người bán hàng trên vỉa hè).

Bên cạnh đó, quản lý tốt phương tiện để phòng ngừa nguy cơ gây tai nạn giao thông; tập trung cải thiện và quản lý tốt cơ sở hạ tầng.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải quan tâm hơn, quyết liệt hơn trong công tác bảo đảm TTATGT; phối hợp tốt hơn nữa giữa các lực lượng; chủ động trong thẩm quyền được giao như quy định mức phạt hành vi vi phạm TTATGT.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan truyền thông, cơ quan đoàn thể tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nội dung, hình thức đa dạng, đúng đối tượng, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông.

Phó Thủ tướng Chính phủ quán triệt các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

Về đề xuất tăng mức phạt đối với những hành vi phạm TTATGT, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần là tăng tính răn đe nhưng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, trong đó có Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn