MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 36 chức danh: Phải lắng nghe ý kiến cử tri

VƯƠNG TRẦN LDO | 03/12/2018 16:39

Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội diễn ra từ 4-6.12 sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 36 chức danh do HĐND TP bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần đầu tiên hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện.

Theo đó, tại kỳ họp này HĐND TP Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm đối với 36 chức danh chủ chốt trong 2 khối là HĐND và UBND. Khối HĐND có 8 chức danh, gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch, trưởng ban và Chánh văn phòng. Khối UBND có 28 chức danh gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch, giám đốc các sở, chánh văn phòng. Riêng Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Ngọc Kỳ mới được bổ nhiệm, chưa trình HĐND bầu nên chưa đủ điều kiện lấy phiếu tín nhiệm.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Bùi Thị An (ĐBQH Khóa XIII, đoàn Hà Nội) cho hay: Có thể nói, đây là hình thức giám sát và đánh giá một cách có hiệu quả quá trình hoạt động của cơ quan dân cử của địa phương.

Do đó, việc đánh giá này nếu chính xác, khách quan, công tâm thì sẽ đánh giá được hiệu quả công tác của cán bộ, của những người được HĐND phê duyệt. Đồng thời, nếu qua việc lấy phiếu tín nhiệm mà chính xác, công tâm, khách quan thì việc này sẽ đánh giá, phân loại được năng lực, trách nhiệm và sự hiệu quả trong quá trình làm việc của cán bộ.

Họp báo trước kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Hà Nội. Ảnh Trần Vương

“Như vậy, với các đại biểu HĐND – những người cho phiếu tín nhiệm cần nắm được thường xuyên hoạt động của các trưởng ngành, của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Từ đó, có căn cứ vào quá trình và kết quả hoạt động trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của những chức danh này để đánh giá. Để việc lấy phiếu tín nhiệm được thực sự hiệu quả thì phải lắng nghe tiếng nói của nhân dân, của cử tri. Khi đó lá phiếu tín nhiệm mới đại diện cho cử tri và mới khách quan được” – PGS.TS Bùi Thị An nói.

PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh thêm: Đây là lần đầu tiên HĐND TP thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt do HĐND thành phố bầu. Do vậy, việc này nếu được thực hiện nghiêm túc, khách quan, công tâm thì sẽ là dịp để nhìn lại quá trình hoạt động trong thời gian từ đầu nhiệm kỳ vừa qua với các trưởng ngành, đơn vị do HĐND bầu. Khi có kết quả tín nhiệm thì các đồng chí sẽ hiểu mình còn khiếm khuyết gì, mình cần có kế hoạch, chương trình hành động để phấn đấu khắc phục những chuyện đó. Phải khắc phục thực sự chứ không phải chỉ dừng lại ở lời xin lỗi.

Cũng liên quan đến phiếu tín nhiệm, một đại biểu HĐND thành phố cho biết: Để đánh giá sát, thực tiễn thì cần căn cứ vào quá trình thực tiễn của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Căn cứ vào quá trình điều hành trong công tác đảm đương nhiệm vụ, thể hiện năng lực hoạt động điều hành của các sở, ngành, ban, đơn vị của thành phố cũng như hoạt động trả lời chất vấn. 

“Tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị của trưởng các đơn vị trong việc tháo gỡ vướng mắc đó khi mà có ý kiến của cử tri như thế nào. Ngoài ra, việc giải quyết đơn thư, khiếu nại một cách kịp thời, đầy đủ, trách nhiệm cũng là điều rất đáng ghi nhận. Đó là những điều cơ bản cùng với báo cáo để đại biểu HĐND cho phiếu tín nhiệm” – đại biểu này nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn