MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một hộ gia đình chăn nuôi bò sữa tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ảnh: UBND TP Hà Nội

Hà Nội muốn xóa sổ chăn nuôi trên địa bàn Gia Lâm

Cẩm Hà LDO | 24/09/2023 11:35

Trong lộ trình đưa huyện Gia Lâm lên quận, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu chấm dứt không còn chăn nuôi trên địa bàn này vào năm 2030.

HĐND TP Hà Nội cuối tuần qua vừa biểu quyết thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm.

Nghị quyết quyết nghị thành lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Gia Lâm và thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm.

Sau khi Hà Nội thông qua chủ trương trên, việc thành phố sẽ xử lý như thế nào đối với việc chuyển đổi nghề cho nông dân huyện Gia Lâm trong quá trình lên quận đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm do địa bàn đang có diện tích đất sản xuất trồng trọt, chăn nuôi rất lớn.

Ngày 24.9, tìm hiểu của Lao Động cho thấy, khi xem xét tờ trình của UBND TP Hà Nội về việc tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm, Ban Pháp chế của HĐND TP Hà Nội cũng đặt ra các câu hỏi liên quan đến vấn đề sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, Ban Pháp chế của HĐND TP Hà Nội cũng yêu cầu làm rõ hơn về các giải pháp, kế hoạch cụ thể để có phương án đảm bảo nâng cao đời sống người dân, chuyển đổi nghề, đặc biệt là người dân sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn chuyển tiếp xây dựng huyện thành quận, vì hiện nay diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn nhiều.

Một diễn biến gây chú ý là trước khi HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm, UBND TP Hà Nội vào cuối tháng 8.2023 đã ban hành Quyết định 18 trong đó quy định giảm mật độ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 đối với huyện Gia Lâm là 0 đơn vị vật nuôi/ha (một đơn vị vật nuôi tương đương 500kg).

Đây là quyết định gây nhiều bất ngờ bởi ở thời điểm hiện nay, mật độ chăn nuôi năm 2023 của huyện Gia Lâm vẫn lên tới 4,15 đơn vị vật nuôi/ha.

Trong một báo cáo giải trình gửi HĐND TP Hà Nội sau đó, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, thực tế hiện nay tại Gia Lâm, chăn nuôi vẫn chiếm tỉ trọng lớn tại các xã có vùng nông nghiệp cơ bản ổn định (trong đó 4 xã Phù Đổng, Trung Mầu, Lệ Chi, Văn Đức là những xã chăn nuôi trọng điểm nằm trong Đề án của Thành phố), ngoài ra có Dương Quang, Yên Thường, Kim Sơn vẫn còn tổng đàn lớn.

Với quyết định xóa sổ chăn nuôi trên địa bàn Gia Lâm, theo văn bản do ông Lê Hồng Sơn ký, UBND TP Hà Nội sẽ chỉ đạo UBND huyện Gia Lâm xây dựng lộ trình giảm dần để đến 2030 là sẽ chấm dứt không còn chăn nuôi trên địa bàn.

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi nắm được chủ trương định hướng của thành phố, huyện và có hướng đào tạo nghề cho các hộ đang chăn nuôi để chuyển đổi sang các nghề khác phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Về cơ sở pháp lý để chấm dứt chăn nuôi trên địa bàn Gia Lâm, trong văn bản giải trình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, theo điểm a khoản 1, Điều 1 Nghị quyết 02 năm 2020 của HĐND TP Hà Nội, các phường của các quận thuộc thành phố không được phép chăn nuôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn