MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày báo cáo tóm tắt về Đề án chính quyền đô thị. Ảnh Thanh Hải

Hà Nội sẽ trình Bộ Chính trị Đề án không tổ chức HĐND xã, phường, thị trấn

VƯƠNG TRẦN LDO | 01/10/2018 13:28
Hiện đang có 2 phương án đề xuất liên quan đến mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.

Sáng nay (1.10), Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội (khóa XVI) đã tổ chức Hội nghị lần thứ 15 để xem xét xét 4 vấn đề quan trọng, trong đó có nội dung thảo luận về dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP.Hà Nội.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, Đề án thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT tại TP. Hà Nội gồm 4 phần là sự cần thiết, căn cứ và cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng đề án; Thực trạng tổ chức chính quyền TP. Hà Nội; Định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT tại TP.Hà Nội; Tổ chức thực hiện.

Mục tiêu chính của việc xây dựng Đề án là nghiên cứu, đề xuất các nội dung thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT tại TP.Hà Nội (đô thị đặc biệt). Trong đó, tập trung vào quản lý theo mô hình chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của TP.Hà Nội và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn) theo Kết luận số 22-KL/TW của Bộ Chính trị.

Đến thời điểm này, tổ soạn thảo đề xuất 2 phương án mô hình CQĐT: Phương án 1 là xây dựng mô hình hai cấp chính quyền gồm TP và quận, huyện, thị xã; một cấp hành chính tại xã, phường, thị trấn).

Theo đó, ở cấp chính quyền TP và quận, huyện, thị xã cơ bản giữ nguyên như hiện nay, gồm có HĐND và UBND. Còn ở cấp xã, phường, thị trấn sẽ không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.

Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (TP), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).

Theo đó, ở quận, huyện, thị xã không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.

Ở cấp xã, phường, thị trấn cũng chỉ tổ chức cơ quan hành chính đại diện gọi là Ban đại diện hành chính, không tổ chức HĐND.

Căn cứ ưu điểm, hạn chế của hai phương án trên, để phù hợp với việc cải cách, đổi mới đồng bộ nhưng có bước đi thận trọng, tránh xáo trộn..., Tổ soạn thảo Đề án đề nghị “việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội sẽ thực hiện theo Phương án 1”.

Dự kiến, Hà Nội sẽ báo cáo Đề án với Bộ Chính trị vào tháng 12.2018, báo cáo Chính phủ quý I.2019 và trình Quốc hội xây dựng, ban hành Nghị quyết cho phép làm thí điểm quý IV.2019.

Sau khi được thông qua, nếu thực hiện theo phương án 1 sẽ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND tại phường trước từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 và sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HĐND xã, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2026 -2031.

Còn nếu thực hiện theo phương án 2, sẽ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND xã, phường, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 và sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HĐND quận, huyện, thị xã từ đầu nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn