MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Tuyên giáo TP.Hà Nội tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 24.7.2018.

Hà Nội “thay da, đổi thịt” thế nào sau 10 mở rộng địa giới hành chính?

VƯƠNG TRẦN LDO | 24/07/2018 21:14
Chiều 24.7, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy thường kỳ, UBND thành phố Hà Nội đã có báo cáo về kết quả thực hiện 10 năm mở rộng địa giới hành chính.

Theo ông Vũ Duy Tuấn - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong lĩnh vực công nghiệp Hà Nội tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2008-2017 tăng 8,61%/năm. Không gian phát triển công nghiệp được mở rộng.

Theo thống kê của Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định; doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2008; nộp ngân sách 180 triệu USD, tăng 3 lần so với năm 2008.

Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm. Hiện nay đã có 43 cụm công nghiệp được lấp đầy, hoạt động ổn định. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề được khuyến khích phát triển, đến hết năm 2017, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, tăng 70 làng so với năm 2010.

Giai đoạn 2008-2017 liên tục đạt và vượt dự toán đề ra. Năm 2017, thu ngân sách đạt 212.276 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2008. Chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15,28%/năm, năm 2017 gấp 3,6 lần so với năm 2008. Tỷ lệ chi xây dựng cơ bản bình quân đạt 45,5% tổng chi ngân sách, cao hơn nhiều so với tỷ lệ chi xây dựng cơ bản của cả nước.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT thừa nhận, dù có nhiều thành tích nhưng TP vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thủ đô sau mở rộng, nhất là tiềm năng, thế mạnh về không gian phát triển và nguồn lực đất đai, nguồn lực con người; chưa tận dụng hết cơ hội do hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; chưa phát huy hết nguồn lực, thế mạnh về vốn, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường lao động của Thủ đô.

Ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Chất lượng tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ còn hạn chế, chưa dựa vào đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, theo chuỗi và chuyên canh chưa được nhân rộng; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất còn thấp; việc ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ để tạo chuỗi giá trị chưa đáp ứng yêu cầu; chưa hình thành được khu nông nghiệp công nghệ cao.

Việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các khâu chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch còn hạn chế; mật độ xây dựng, dân số nội đô ngày càng tăng cao; việc thực hiện các khu chức năng, đô thị vệ tinh chậm. Chưa xây dựng, phát triển Thủ đô thành một tổng thể đa trung tâm, có cấu trúc hoàn chỉnh hiện đại gắn với phát triển các thành phố vệ tinh; chưa có các đô thị, vùng chức năng gắn với vùng cảnh quan/di tích tập trung tại Ba Vì, Suối Hai, Hương Sơn, Cổ Loa, Sóc Sơn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn