MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đinh Tiến Dũng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội. Ảnh: Ái Vân

Hà Nội thu hồi một loạt khu đất để làm trường học ở các khu đô thị

Vương Trần - Phương Anh LDO | 01/07/2023 18:34

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, quá trình phát triển của Thủ đô với dân cư tăng rất nhanh, nhất là gia tăng dân số cơ học, nên phần lớn lúc nào chúng ta cũng thấy thiếu trường, thiếu lớp.

Dân cư tăng nhanh nên lúc nào cũng thấy thiếu trường, thiếu lớp

Ngày 1.7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri 3 quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng (Hà Nội) để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Đinh Tiến Dũng tiếp thu các ý kiến rất thẳng thắn, sâu sắc, trí tuệ, trách nhiệm của cử tri.

Một vấn đề được cử tri nhắc tới đó là tình trạng thiếu trường công lập. Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho rằng, ý kiến cử tri nêu "rất đúng", “Hà Nội là một điển hình”.

Theo ông Dũng, Hà Nội có 2,3 triệu học sinh, chiếm khoảng 1/10 cả nước.

"Trong quá trình phát triển với dân cư tăng rất nhanh, nhất là gia tăng dân số cơ học, nên phần lớn lúc nào chúng ta cũng thấy thiếu trường, thiếu lớp. Trong quá trình quản lý vừa qua đã phát hiện, nhìn ra những vấn đề bất cập ngay trong nội tại của Hà Nội” - ông Dũng nói.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, nhiều dự án xây dựng khu đô thị 10-15 năm, dân cư ở ổn định rồi nhưng các cơ sở về công trình xã hội, đặc biệt là trường học được đầu tư rất chậm. Vì vậy, vừa qua Hà Nội đã quyết định thu hồi một loạt khu đất để làm trường học, đầu tư theo phương thức đầu tư công hoặc kêu gọi xã hội hóa.

"Với cách như vậy, chúng ta sẽ dần khắc phục được tình trạng thiếu trường, thiếu lớp” - Bí thư Hà Nội nói và thông tin, thành phố đã có nghị quyết đầu tư trọng tâm trong 3 lĩnh vực: y tế, giáo dục, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn.

Ông thông tin, thành phố đã có chủ trương, quyết định đầu tư thêm bằng ngân sách của thành phố khoảng hơn 49.200 tỉ đồng và ngân sách các quận huyện vừa qua tổng hợp lại còn 40.000 tỉ đồng, như vậy là khoảng 90.000 tỉ đồng.

Qua thống kê, ông Đinh Tiến Dũng cho hay, đến hết năm nay, riêng 3 lĩnh vực trên đã nâng cấp, tu bổ, trong đó nâng cấp y tế cơ sở, trường công lập đạt chuẩn quốc gia, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn còn 1.000 công trình. Đây là vấn đề rất quan trọng và phải quyết liệt làm tiếp.

Phòng, chống tham nhũng, “bên dưới đã ấm dần lên”

Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Đinh Tiến Dũng trao đổi với cử tri, trước đây hay nói “trên nóng, dưới lạnh”, nhưng bây giờ “bên dưới đã ấm dần lên”.

Sau khi có chủ trương của Trung ương, Hà Nội là một trong những địa phương thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đầu tiên. Đến nay, sau 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội đã đưa 54 vụ việc, vụ án vào diện theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo. Trong đó, có 27 vụ việc mới, gồm 25 vụ về trạm đăng kiểm; 2 vụ liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai.

Ban Chỉ đạo hoạt động rất thường xuyên, theo quy chế; đôn đốc các cấp, ngành, cơ quan tích cực hơn, đặc biệt là trong những vấn đề về định giá, giám định tài sản - vấn đề rất khó trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

“Hà Nội tích cực triển khai các vấn đề này và đã đẩy nhanh tiến độ. Trong báo cáo sơ kết 1 năm thành lập Ban chỉ đạo, Hà Nội được điểm là đơn vị sớm thành lập và triển khai quyết liệt, đưa nhiều vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo” - ông Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Thanh tra toàn diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Vấn đề thiếu điện, ông Đinh Tiến Dũng nhận định, đúng là "bức xúc trong nhân dân". Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tiến hành thanh tra toàn diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, khi có kết quả sẽ được công bố công khai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn