MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án tuyến đường Vành đai 4 có tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng. Ảnh: G.T

Hà Nội thúc đẩy triển khai dự án đường Vành đai 4

Tùng Giang LDO | 06/05/2021 17:44
Qua rà soát tính toán sơ bộ của thành phố Hà Nội, để đầu tư toàn tuyến Vành đai 4, phần kinh phí đầu tư xây dựng theo phương án cao tốc đi bằng khoảng 105.000 tỉ đồng; phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến khoảng 135.000 tỉ đồng.

Chiều 6.5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các tỉnh liên quan, triển khai quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về tuyến đường vành đai 4. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, hiện nay, dù tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng vẫn phải tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Cụ thể là cần thực hiện nhiệm vụ và phê duyệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, trong xu thế phát triển của đất nước, việc đẩy mạnh liên kết vùng và tạo các động lực để phát triển vùng là yêu cầu tất yếu.

Do vậy, việc tổ chức hội nghị cho định hướng chủ trương, quy hoạch và đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội là cần thiết, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

"Việc này khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; giúp Hà Nội và các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch", ông Dũng nói.

Về tình hình dự án đường Vành đai 4, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn báo cáo, tuyến đường Vành đai 3 đến nay đã cơ bản hoàn thành nhưng hiện quá tải so với thiết kế; các nút giao giữa các trục hướng tâm với đường Vành đai 3 hiện thường xuyên ùn tắc mà điển hình là cửa ngõ phía Nam thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Theo quy hoạch, Vành đai 4 xác định là tuyến đường liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô.

Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, với chiều dài toàn tuyến khoảng 98km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km) và Bắc Ninh (21,2km).

Trong giai đoạn trước, thành phố Hà Nội đã nghiên cứu đầu tư phần tuyến nằm trên địa phận thành phố, kết quả đã có 3 nhà đầu tư đề xuất đối với 4 đoạn tuyến theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT, BOT.

Tuy nhiên, theo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18.8.2020 thì loại hợp đồng BT không còn được quy định trong Luật.

Bên cạnh đó, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để đầu tư toàn bộ tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô theo quy mô mặt cắt của từng đoạn tuyến qua các tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, các phương án đưa ra đều có những ưu điểm, hạn chế riêng; cùng với những khó khăn về nguồn lực đầu tư, cơ chế và hình thức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư... nên đến nay, dự án vẫn đang tiếp tục trong giai đoạn nghiên cứu.

Về Quy hoạch, thành phố Hà Nội đề xuất, ngoài việc nghiên cứu theo quy hoạch chi tiết tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần nghiên cứu thêm phương án Quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc là cầu cạn trên cao thay cho việc đi bằng hiện nay, với quy mô 04-06 làn xe cao tốc.

Qua rà soát tính toán sơ bộ, để đầu tư toàn tuyến vành đai 4 (tổng chiều dài 98Km), phần kinh phí đầu tư xây dựng theo phương án cao tốc đi bằng khoảng 105.000 tỉ đồng, theo phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến khoảng 135.000 tỉ đồng (đã bao gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng).

Phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ, GPMB theo chỉ giới 120m khoảng 25.000 tỉ đồng (trong đó, Hà Nội khoảng 16.000 tỉ đồng, Hưng Yên khoảng 3.500 tỉ đồng, Bắc Ninh khoảng 5.500 tỉ đồng).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn