MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội mới đưa vào khai thác hơn 13km đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Nội. Ảnh: T.Vương

Hà Nội, TPHCM tiếp tục đầu tư đường sắt đô thị, tàu điện ngầm

Vương Trần LDO | 27/02/2024 10:33

Kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, TPHCM và một số thành phố lớn khác.

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 72-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16.1.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Kết luận 72-KL/TW của Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên tập trung thực hiện có hiệu quả nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, Kết luận 72 nêu rõ nội dung: Tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, TPHCM và một số thành phố lớn khác.

Theo các chuyên gia giao thông, hệ thống đường sắt đô thị, khi hoàn thành và kết nối với các phương tiện công cộng khác, không chỉ giúp giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực dọc tuyến.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải (GTVT) - cho rằng, dự kiến, khi mạng lưới đường sắt đô thị TP Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35-45%, giảm thị phần người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%; đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực và cải thiện môi trường đô thị nhờ giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và tình trạng ô nhiễm.

Theo tìm hiểu của Lao Động ngày 27.2, theo quy hoạch, tại TP Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410km.

Trong khi đó, tại TPHCM sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành đai nối các trung tâm chính của thành phố với chiều dài khoảng 173km.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai, các dự án đường sắt đô thị tại hai thành phố này đều chậm.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tính đến thời điểm tháng 10.2023, đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác 13km (đạt 10,4%) tổng chiều dài mạng lưới cần đầu tư trước năm 2020.

Từ đó dẫn tới thị phần vận tải đường sắt đô thị chưa đáp ứng được khoảng 15-20% nhu cầu vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội và TPHCM như quy hoạch đề ra.

Tại Hà Nội, Bộ GTVT thực hiện đầu tư 2 tuyến và UBND TP Hà Nội thực hiện đầu tư 2 tuyến. Đến nay, tuyến 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào khai thác.

Trong khi đó, tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi, giai đoạn 1 đã triển khai thiết kế kỹ thuật từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Còn tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, cơ bản hoàn thành đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy, dự kiến đưa vào khai thác vào giữa năm 2024; đoạn Cầu Giấy - ga Hà Nội đang thi công, dự kiến đưa vào khai thác năm 2027.

Tuyến đường sắt số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang điều chỉnh dự án để triển khai bước tiếp theo.

TP HCM được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220 km, vốn đầu tư ước tính 25 tỉ USD. Hiện, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30 km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách Trung ương. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn