MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long là một trong những đơn vị phải di dời khỏi khu vực nội đô. Ảnh: Phạm Đông

Hà Nội ưu tiên dùng đất di dời trụ sở, cơ quan để xây không gian công cộng

PHẠM ĐÔNG LDO | 21/09/2023 13:06

Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời khỏi đô thị trung tâm theo quy định được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.

Thẩm quyền quyết định việc di dời

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 26. Đây là một đạo luật về phân cấp, phân quyền toàn diện trên các lĩnh vực cho TP Hà Nội.

Theo dự thảo luật, trong khu vực nội đô lịch sử không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có. Đồng thời không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo ở khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm luật này có hiệu lực thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử.

Cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức Trung ương.

UBND TP Hà Nội quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở không thuộc quy định như trên.

Dự thảo luật nêu rõ, quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời khỏi đô thị trung tâm theo quy định của luật này được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.

Khi đầu tư xây dựng mới đường giao thông hoặc mở rộng trục đường giao thông hiện có theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô thì cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch chi tiết.

Trong đó xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện tái cấu trúc đô thị, tái định cư tại chỗ, phát triển nhà ở, thương mại, dịch vụ.

Khi triển khai dự án phát triển đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hà Nội đồng thời tổ chức thu hồi đất vùng phụ cận để sử dụng theo quy hoạch. Việc thu hồi đất trong trường hợp này được áp dụng như trường hợp thu hồi đất trong cùng dự án.

HĐND TP Hà Nội quyết định trục đường giao thông mới hoặc mở rộng trục đường giao thông hiện có và vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện tái cấu trúc đô thị, tái định cư tại chỗ, phát triển nhà ở, thương mại, dịch vụ.

Không để quá tải hạ tầng, ùn tắc khi di dời nhà máy, xí nghiệp

Nói về việc di dời cơ sở nhà đất tại Hà Nội khỏi nội đô, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - nêu rõ, việc di dời đang đặt ra cho chính quyền Hà Nội một quyết tâm chính trị rất lớn giữa phát triển bền vững hay kinh tế trước mắt.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, việc tạo không gian xanh, không gian công cộng trên quỹ đất này như xây dựng trường học, trung tâm y tế, cụm nhà văn hoá, sinh hoạt cộng đồng là vô cùng cần thiết.

Còn nếu lấy bất động sản để phát triển trước mắt thì có thể sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn nhưng cũng có thể phải đối mặt với vấn đề xã hội về quá tải hạ tầng, dân số, ùn tắc giao thông.

Còn KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam - nhận định, thời gian vừa qua, việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô còn chậm trễ do vướng mắc, chồng chéo quy định Luật Đất đai.

KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, sau khi di dời, mục tiêu chung là giảm mật độ dân số, áp lực hạ tầng đô thị, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị.

Ngoài ra, việc này cũng phải đảm bảo không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn