MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nút giao Ngã Tư Sở (Hà Nội) ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Hạ tầng giao thông Hà Nội chới với trước sự bùng nổ phương tiện cá nhân

PHẠM ĐÔNG - KHÁNH AN LDO | 08/12/2023 07:08

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường, hạ tầng giao thông Hà Nội tăng khoảng 0,5%/năm trong khi tốc độ phương tiện cá nhân tăng khoảng 4-5%/năm. Điều này khiến việc xây dựng hạ tầng luôn phải “chới với đuổi theo” lượng phương tiện cá nhân.

Quy hoạch chậm triển khai, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập

Tại kỳ họp thứ 14, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã phản ánh tình trạng giao thông đô thị trên địa bàn qua đợt giám sát tháng 11, 12. Trong đó, việc chậm triển khai quy hoạch giao thông, thiếu bãi đỗ xe; tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm chưa hiệu quả... Cụ thể, đường sắt đô thị quy hoạch 10 tuyến với 413km, hiện nay kết quả mới thực hiện được 2 đoạn tuyến với 27km, đạt khoảng 6,5% quy hoạch. Hệ thống xe buýt nhanh quy hoạch 11 tuyến với 316km, hiện nay mới thực hiện được 1 tuyến Cát Linh - Yên Nghĩa với 14km, đạt 4,4% quy hoạch.

Thêm vào đó, công tác tổ chức giao thông tại một số tuyến và nút giao thông chưa khoa học, chưa phù hợp thực tế. Việc phân làn, phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại cho người và phương tiện tham giao thông cũng còn nhiều bất cập. Ngoài ra, sau nhiều “chiến dịch” giành lại vỉa hè cho người đi bộ, tình trạng hàng quán chiếm dụng vỉa hè cũng thường xuyên diễn ra tại các quận như: Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình...

Vấn nạn xe bắt khách dọc đường lại xuất hiện khắp nơi, không chỉ xung quanh các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm mà còn len lỏi vào tận các ngõ ngách, khu đô thị, bệnh viện. “Bến cóc” mọc lên khắp nơi, làm mất trật tự, mỹ quan đô thị và gây ùn tắc giao thông. Các xe kinh doanh vận tải khách liên tỉnh luôn tìm cách đi vào trung tâm hoặc chạy xuyên tâm thành phố để gom khách.

Hạ tầng giao thông luôn đi sau

Liên quan đến hạ tầng giao thông, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ Tây Hồ) nêu rõ, hiện nay mức độ thực hiện quy hoạch giao thông vận tải ở Hà Nội đạt tỉ lệ rất thấp, chưa đến 50%. Bên cạnh đó cũng có nhiều dự án chưa được ưu tiên đầu tư nên chưa được tập trung hoàn thành để khép kín các đường vành đai, thông suốt các đường xuyên tâm cải thiện giao thông công cộng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình chất vấn Giám đốc Sở GTVT Hà Nội về việc tham mưu với UBND TP Hà Nội trong quá trình thẩm định các dự án để tập trung đầu tư cho có hiệu quả; những nguyên tắc lựa chọn, thứ tự ưu tiên đối với các dự án đầu tư và việc này có được tuân thủ chặt chẽ hay không?

Trả lời chất vấn, Giám đốc GTVT TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, thực hiện Quy hoạch 519 (Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050), qua rà soát thấy các chỉ tiêu thực hiện cơ bản dưới 50% (đường bộ thực hiện khoảng 45%, trong đó chỉ tiêu về diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 12,13%, so với quy định là 20, 26%), chỉ tiêu đường liên khu vực mới đạt 1,3km/km2 (trong khi mật độ quy hoạch là 2,6 đến 3km/km2).

Đặc biệt về vấn đề đầu tư đường sắt đô thị, theo quy hoạch, Hà Nội có 10 tuyến khoảng 417km, trong quy hoạch dự kiến đến 2025 hoàn thành 4 tuyến, hiện mới hoàn thành được tuyến Cát Linh - Hà Đông; dự kiến 2024 hoàn thành đoạn trên cao của tuyến Nhổn - ga Hà Nội, cả 2 tuyến này cộng lại mới được khoảng 27/417km (chỉ đạt 6,5% so với quy hoạch).

Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết: “Hạ tầng giao thông tăng khoảng 0,5%/năm trong khi tốc độ phương tiện cá nhân tăng khoảng 4-5%/năm. Ta cứ xây dựng hạ tầng đuổi theo lượng phương tiện cá nhân thì cứ chới với đuổi theo chứ rất khó đuổi kịp”.

Lãnh đạo ngành giao thông Hà Nội cho biết, thời gian này, TP Hà Nội tập trung làm dứt điểm, không dàn trải các dự án... Quan điểm là cố gắng đầu tư trọn gói dự án; kết nối giao thông giải tỏa ùn tắc, khắc phục các điểm đen tai nạn, thúc đẩy kinh tế xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn