MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng/QH

Hai loại ý kiến khác nhau về tên gọi của thẻ căn cước công dân

PHẠM ĐÔNG LDO | 28/08/2023 10:52

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình là phù hợp; không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội.

Sáng 28.8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về tên gọi của thẻ căn cước hiện còn 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với tên thẻ căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình và cho rằng, việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước có ưu điểm và hạn chế sau đây:

Về ưu điểm, thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân; giúp phân biệt người này với người khác; xác định danh tính trong thực hiện giao dịch…; bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước.

Ngoài ra, việc đổi tên thẻ cũng không phát sinh chi phí vì thẻ căn cước công dân hiện tại vẫn còn giá trị sử dụng đến thời điểm đổi thẻ.

Về hạn chế, có tâm lý cho rằng chính sách của Nhà nước ta thiếu ổn định; e ngại việc thay đổi tên thẻ làm phát sinh thủ tục đổi thẻ và phát sinh chi phí đổi thẻ; phần nào dẫn đến xáo trộn khi thể hiện thông tin về thẻ căn cước/thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ của công dân có sử dụng thông tin thẻ; chưa thể hiện tính chất cá thể hóa và không thể hiện địa vị pháp lý của người được cấp thẻ là công dân Việt Nam.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên tên thẻ căn cước công dân như luật hiện hành và cho rằng, việc sử dụng tên thẻ căn cước công dân có ưu điểm và hạn chế sau đây.

Về ưu điểm, thể hiện rõ người được cấp thẻ là công dân Việt Nam; phù hợp với đối tượng được cấp thẻ là công dân Việt Nam như Chính phủ trình; khẳng định địa vị pháp lý ngay từ tên thẻ; thể hiện tính cá thể hóa của người được cấp thẻ; không tác động tâm lý đối với một bộ phận người dân.

Về hạn chế, chưa bảo đảm sự tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của thế giới, có thể dẫn đến không sử dụng được thẻ khi hội nhập quốc tế.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình là phù hợp; không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội.

Tuy nhiên, đây là nội dung các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị đại biểu cho ý kiến để lựa chọn quyết định về tên gọi của thẻ.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: QH

Theo ông Lê Tấn Tới, một số ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá thêm về việc thay đổi thông tin thể hiện trên thẻ căn cước; chỉ nên thể hiện những thông tin mang tính chất ổn định, giúp nhận diện lai lịch của một con người.

Cân nhắc một số thông tin như “nơi cư trú”, “nơi thường trú”, “nơi sinh”, “nơi đăng ký khai sinh”, “giới tính”, “ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng” bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, cân nhắc thông tin về cơ quan cấp thẻ căn cước, hình dạng, kích thước, màu sắc, ngôn ngữ… của thẻ căn cước bảo đảm phù hợp; đề nghị không nên sử dụng QR code, chỉ nên dùng chip điện tử trên thẻ căn cước.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc thay đổi thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể trong quá trình xây dựng luật, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan.

Dự thảo luật bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin “quê quán”, sửa đổi “số thẻ căn cước công dân” thành “số định danh cá nhân”, “căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”, bổ sung “nơi đăng ký khai sinh”... để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.

Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước.

Việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn