MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Ảnh: Cổng TTĐT Hải Phòng

Hải Phòng: Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra lãng phí

Băng Tâm LDO | 04/04/2023 09:40

UBND TP.Hải Phòng vừa có văn bản 681/UBND-TC2 về việc triển khai Nghị quyết số 74/2022/NQ-QH15 của Quốc hội về việc đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Trong giai đoạn 2016 - 2021, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại TP.Hải Phòng đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh các kết quả đạt được còn nhiều hạn chế như: việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng hàng năm của các địa phương, đơn vị còn chậm, nặng về hình thức, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa chấp hành nghiêm việc dừng triển khai và thu hồi các khoản đã giao dự toán đầu năm hoặc đã phổ biến nhưng chưa triển khai, chưa phê duyệt dự toán; chưa tổ chức đấu thầu, bổ sung dự phòng ngân sách trung ương; phân bổ vốn vượt kế hoạch đầu tư trung hạn...

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng đất, tài sản thiếu chặt chẽ và không hiệu quả; còn có dự án phải thu hồi đất do chậm đưa đất vào sử dụng... Số lượng lao động thực tế có mặt tại các đơn vị sự nghiệp công lập vượt số lượng lao động do HĐND thành phố giao; còn tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý, khai thác khoáng sản...

Trước thực tế trên, UBND TP.Hải Phòng yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tập trung đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Các đơn vị siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của thành phố để phát triển nhanh và bền vững. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các địa phương, đơn vị phát động cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, chú trọng xây dựng các chính sách về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn và hàng năm đối với một số lĩnh vực then chốt như tiết kiệm năng lượng, quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản....

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn