MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sân bay Tân Sơn Nhất đông đúc trong kì nghỉ lễ. Ảnh: Chân Phúc

Hàng không là con đường ngắn nhất kéo thế giới đến gần Việt Nam

NHÓM PV LDO | 31/05/2023 17:03

Dẫn chứng số sân bay của nước ta cũng ít hơn so với các nước trong khu vực, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh hàng không là con đường ngắn nhất đưa Việt Nam ra thế giới và kéo thế giới đến gần Việt Nam. 

Chiều 31.5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Quan tâm đến thực trạng quy hoạch hàng không toàn quốc, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho biết, cảng hàng không nói riêng và ngành hàng không nói chung có vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội, du lịch. Hàng không là con đường ngắn nhất đưa Việt Nam ra thế giới và kéo thế giới đến gần Việt Nam. 

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho biết, so với các nước, địa hình Việt Nam rất phù hợp với phát triển hàng không. Hiện cả nước có 22 cảng hàng không, nhiều cảng bị quá tải, chậm chuyến, nhất là vào dịp cao điểm, dịp Tết.

Theo dự thảo quy hoạch tổng thể cảng hàng không sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 do Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ cho thấy đến năm 2030 cả nước có 30 sân bay, đến 2050 tăng lên 33 sân bay.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị đẩy nhanh quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Đại biểu cho rằng, hiện nay, số sân bay số sân bay của nước ta cũng ít hơn so với các nước trong khu vực. Ví dụ Thái Lan có 38 sân bay, Malaysia có 66 sân bay (trong đó có 38 sân bay thương mại), Philippines có 70 sân bay... Do đó cần tăng số lượng cảng hàng không hơn nữa.

Về nguồn lực đầu tư, đại biểu cho rằng không nên dựa vào ngân sách nhà nước mà có thể cho phép địa phương thu hút xã hội hóa nhưng việc xã hội hóa gặp nhiều khó khăn do tư nhân chỉ được đầu tư các sân bay nhỏ và vừa (hầu hết đều lỗ).

Nguyên nhân thứ hai khiến tư nhân chưa mặn mà với đầu tư sân bay là do cơ chế chính sách hiện nay chưa hấp dẫn. Toàn bộ các sân bay xã hội hóa cải tạo, nâng cấp đều phải theo hình thức đối tác công tư PPP.

Đại biểu cho rằng, rất cần sự điều chỉnh, hoàn thiện chính sách xã hội hóa đầu tư khai thác cảng hàng không, sân bay. Tập trung đầu tư cảng hàng không sân bay làm bệ đỡ cho các cảng hàng không tăng cạnh tranh, tăng tốc phát triển ngành hàng không phát triển, sẽ đóng góp thiết thực cho địa phương có sân bay, cho kinh tế xã hội phát triển và tăng hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Trước đó, Bộ GTVT đã có công văn gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không Vũng Tàu tại Gò Găng vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong văn bản này, Bộ GTVT chỉ ra nhiều cơ sở để giữ nguyên quan điểm quy hoạch sân bay Gò Găng là sân bay chuyên dùng.

Ngày 22.5, Bộ GTVT có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) về đề xuất quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công văn nêu rõ: UBND TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh, xác định tính chất, chức năng Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội là Cảng hàng không Quốc tế; đồng thời, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch để UBND thành phố bổ sung vào Quy hoạch Thủ đô đang triển khai, bảo đảm thống nhất.

Để có đầy đủ cơ sở xem xét, giải quyết, Bộ GTVT đề nghị Cục Hàng không Việt Nam, TEDI - đơn vị tư vấn lập quy hoạch hệ thống cảng hàng không nghiên cứu nội dung đề xuất của UBND TP Hà Nội và báo cáo bộ phương án xử lí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn