MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới - Ảnh: Quang Hiếu

Hành động quyết liệt để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam phát triển

Vương Trần - Phạm Đông LDO | 28/12/2020 13:32

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh cần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, vượt qua khó khăn để tạo nền tảng hiện thực hoá khát vọng năm 2045 Việt Nam là nước phát triển.

Cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn

Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) năm 2020 và 5 năm 2016-2020 tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay (28.12), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, năm 2021 có nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu cần biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu… để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021.

Từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Tập trung cao độ 7 nhóm chỉ tiêu, 4 nội dung trọng tâm

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giới thiệu Dự thảo Nghị quyết 02 của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Nghị quyết 02/2021 được xây dựng ngắn gọn hơn rất nhiều so với các Nghị quyết trước đây, khẳng định tiếp tục thực hiện đồng bộ tất cả các mục tiêu giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 02/CP năm 2019 và 2020; đồng thời đặt trọng tâm vào một số nhóm chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể cần tập trung cao độ để chỉ đạo thực hiện nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh tới các tiêu chí khác.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, sáng 28.12. Ảnh: Quang Hiếu

Đó là 7 nhóm chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, bao gồm: Cấp phép xây dựng (A3), Đăng ký tài sản (A7), Giải quyết tranh chấp hợp đồng (A9), Giải quyết phá sản doanh nghiệp (A10), Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3), Ứng dụng công nghệ thông tin (B5), Chất lượng đào tạo nghề (B6).

Cùng với đó là 10 chỉ tiêu cụ thể về năng lực cạnh tranh 4.0 và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Chất lượng hành chính đất đai, Chất lượng đào tạo nghề, Kỹ năng của sinh viên, Rào cản phi thuế quan, Đăng ký phát minh sáng chế, Kiểm soát tham nhũng, Mức độ tiếp cận CNTT, Mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, Cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, Môi trường trong bền vững sinh thái.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh 4 bốn nội dung trọng tâm trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, chỉ tiêu cụ thể đặt ra cho năm 2021 với 12 chỉ tiêu chủ yếu.

Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66% (trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%); tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỉ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỉ lệ che phủ rừng khoảng 42%...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn