MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): "hành vi chiếm đoạt bảo hiểm của người lao động là hành vi vi phạm pháp luật, nó phải được xét xử. Ảnh: QH

"Hành vi chiếm đoạt bảo hiểm của người lao động phải được xét xử"

Đức Thành - Xuân Hải LDO | 18/11/2017 11:40

Sáng nay, 18.11, sau phần trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình về việc tổ chức công đoàn không khởi kiện được hành vi doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, nhiều ĐBQH tranh luận cho rằng phần trả lời chưa thuyết phục.

ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) nêu quan điểm: "Tôi chưa đồng tình với giải pháp đưa ra là xử lý hình sự doanh nghiệp nợ bảo hiểm. Đây mới chỉ là giải pháp thu hồi giảm bớt thiệt hại nhưng không phải giải pháp về quyền khởi kiện của công đoàn. Pháp luật quy định quyền khởi kiện của tổ chức công đoàn nhưng không thực hiện được thì chỉ là trên giấy. Điều này gây bức xúc cho cử tri" - ĐB Hạnh nói.

Cũng không nhất trí với phần giải đáp của Chánh án, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận định: "Sau khi nghe chánh án trình bày thì tôi cũng rất đồng tình với ĐB Hạnh. Bởi nếu nói như vậy thì dường như chúng ta bỏ quên một điều vô cùng quan trọng là chúng ta áp dụng sai Hiến pháp. Vì Điều 10 Hiến pháp và Điều 1 Luật Công đoàn năm 2013 quy định rất rõ quyền công đoàn là quyền đại diện cho người lao động. Giờ chúng ta lại giải thích buộc công đoàn phải nhận được giấy ủy quyền có đóng dấu, chữ ký của công chứng thì theo tôi là quyết định có tính vi hiến.

Thứ hai, hành vi chiếm đoạt bảo hiểm của người lao động theo quan điểm của tôi đây là hành vi vi phạm pháp luật, nó phải được xét xử chứ không phải là chỉ đi khởi kiện. Có thể xử lý về mặt hành chính, có thể xử lý tài sản của doanh nghiệp chứ không phải buộc công đoàn hay một tổ chức nào thay mặt người lao động đứng ra khởi kiện trước tòa án.

Hàng trăm nghìn người lao động, tại sao lại bắt người lao động phải ra tòa? Tòa án làm thế nào xử lý hàng trăm nghìn vụ án được? Tôi cho rằng chỗ này chúng ta dường như đang đi theo một hướng khác, gây khó khăn cho chính bản thân ngành tòa án" - ĐB Nhưỡng đánh giá.

ĐB Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cũng cho rằng: "Theo quy định thì công đoàn cơ sở phải có ủy quyền. Điều này là điều không tưởng bởi trên thực tế công đoàn cơ sở rất ít dám khởi kiện công ty. 

Tòa án lúc thì cho rằng việc khiếu nại đó không thuộc thẩm quyền, nhưng sau khi có ý kiến phản hồi lại thì lại đưa lý do không có ủy quyền cũng như là không có tranh chấp" - ĐB Như Ý nói. 

Tiếp tục tranh luận, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng hạ tầng pháp lý hiện tại, việc giải quyết của tòa án như thế là đúng.

Đồng thời Chánh án đề nghị Quốc hội cho phép "rà soát lại các văn bản pháp quy để mở đường cho việc khởi kiện của công đoàn" - Chánh án Bình đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn