MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính. Ảnh: Nhật Bắc

Hậu Giang yêu cầu cán bộ viết nhật ký làm việc để đo lường hiệu quả

PHẠM ĐÔNG LDO | 15/07/2024 15:22

Tại Hậu Giang đã có khá nhiều cán bộ không kê hết mốc thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần.

Ngày 15.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, đã chủ trì phiên họp thứ 8.

Theo Văn phòng Chính phủ, báo cáo tại cuộc họp cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện đôn đốc cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Giao thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Bình Dương.

Ngoài ra, cải cách tổ chức bộ máy được thực hiện quyết liệt và có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, đã giảm được 33 đơn vị sự nghiệp công lập cấp bộ. Dự kiến trong năm 2024 giảm 72 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương đã giảm 10 tổ chức cấp phòng thuộc UBND tỉnh và 8 tổ chức cấp phòng thuộc UBND cấp huyện. Bên cạnh đó, 53 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện, 1.247 đơn vị cấp xã.

Về tinh giản biên chế, 6 tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành, địa phương giảm 3.853 người; trong đó, địa phương là 3.746 người. Đồng thời, tuyển dụng 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Cải cách chính sách tiền lương có kết quả khả quan, chính thức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng thực hiện từ ngày 1.7. Ngoài ra, kỷ cương, kỷ luật công vụ được siết chặt; xử lý nghiêm các sai phạm. 6 tháng đầu năm có 139 cán bộ, 432 công chức và 767 viên chức bị kỷ luật.

6 tháng đầu năm có 139 cán bộ, 432 công chức và 767 viên chức bị kỷ luật. Ảnh: VGP

Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán, tăng 15,7%; đã tích lũy khoảng 700.000 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước để sử dụng cho tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp từ 1.7.

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã "điểm danh", biểu dương một số điển hình tốt như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Trị, Hậu Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính… trong cải cách hành chính.

Trong đó, Hậu Giang là trường hợp rất đáng chú ý với nhiều sáng kiến mới. Tỉnh đã triển khai giải pháp "Đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ".

Để "tinh giản biên chế, tinh đổi cán bộ", tỉnh đặt mục tiêu tinh giản 5% công chức, 10% viên chức theo lộ trình 2020-2026 mà Trung ương giao, đồng thời tinh đổi 5% công chức, 5% viên chức để tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Tỉnh ban hành thêm chính sách đặc thù khuyến khích cán bộ không đáp ứng yêu cầu tự nguyện tinh giản biên chế, để tinh đổi, tuyển dụng cán bộ trẻ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với vị trí việc làm.

Để có cơ sở thực hiện tinh giản biên chế và tinh đổi cán bộ, Tỉnh ủy triển khai thêm Đề án 09 năm 2024 quy định về vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hậu Giang.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức sẽ thực hiện nhiệm vụ theo vị trí việc làm được phê duyệt, viết nhật ký làm việc hằng ngày theo mẫu điện tử để định lượng, đo lường và đánh giá hiệu quả công việc gắn với chức trách nhiệm vụ được giao.

Đề án được triển khai từ tháng 1.2024, bước đầu đã cho thấy khá nhiều cán bộ không kê hết mốc thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần. Lãnh đạo Hậu Giang cho biết điều này chứng tỏ cái thiếu hiện nay là "thiếu người biết làm việc" và có 4 người đã dự định xin thôi việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn