MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở vẫn đang phải “ăn nhờ ở đậu”. Ảnh: TR.L

Hậu sạt lở ở An Giang: Hàng trăm hộ dân “ăn nhờ ở đậu” vì... thiếu cát

TRẦN LƯU LDO | 19/06/2017 11:58
Từ sau vụ người dân Cù Lao Giêng phản ứng dự án thông luồng, đến nay, tỉnh An Giang vẫn đau đầu trong việc tìm nguồn cát xây dựng khu tái định cư cho hơn 100 hộ dân bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên sông Vàm Nao vừa qua. Theo đó, hàng trăm hộ dân vẫn phải sống trong cảnh lay lắt, tạm bợ do khu tái định cư chưa thể hoàn thành…

Khổ sở đi “ăn nhờ ở đậu”

Ngày 22.4 vừa qua, tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến hàng chục căn nhà trôi xuống sông. Tỉnh An Giang phải công bố tình trạng khẩn cấp đồng thời gấp rút di dời 106 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Gần 2 tháng kể từ khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoành này, người dân vẫn phải sống tạm bợ do khu tái định cư dành cho bà con đang chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Văn Bé (bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở) cho biết: “2 tháng nay, gia đình tui phải ở tạm trong một ngôi chùa. Dù nhà chùa luôn rộng lòng giúp đỡ người dân nhưng dù gì ở nhà mình vẫn hơn. Cứ ăn nhờ ở đậu như vậy bức rức lắm”. Tương tự, những ngày qua, gia đình bà Nguyễn Thị Út cũng phải sống tạm bợ trong ngôi chùa này. “Ông bà nói phải an cư mới lạc nghiệp, cuộc sống vốn đã nghèo, giờ lại mất nhà, khổ càng thêm khổ”. Bà Út nói.

Theo ghi nhận của PV, đợt sạt lở hồi cuối tháng 4 vừa qua, xã Mỹ Hội Đông có 106 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Đến nay, vẫn còn 92 hộ dân phải ở nhờ nhà chùa, trường học hoặc nhà người thân. Trong khi đó, tại khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở, gần như không thấy bóng dáng công nhân nào làm việc. Ông Vũ Minh Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: “Hiện nay, doanh nghiệp được giao san lấp mặt bằng đang gặp khó khăn về cát. Vừa qua, UBND tỉnh đã giao cho Cty Dương Khang dự án thông luồng ở Cù Lao Giêng. Tuy nhiên, dự án đã bị người dân phản đối quyết liệt, nên không thể triển khai”.

Trước đó, UBND tỉnh An Giang cho rằng, đây là dự án thông luồng, chỉnh trị dòng chảy để hạn chế sạt lở, nhưng người dân không đồng tình với lời giải thích này. Họ cho rằng đây chỉ là cái cớ để tận thu khoáng sản, làm gia tăng nguy cơ sạt lở vốn đã rất nghiêm trọng. Do không chịu nỗi cạnh sống tạm ở chùa chiền, trường học, hiện một số hộ dân đã trở lại nhà cũ dù sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bà Nguyễn Thị Lượm (người dân địa phương) cho biết: “Ăn nhờ ở đậu thì hỏi chú làm sao tui chịu nỗi. Vì vậy mà tôi mới dọn về chỗ cũ ở. Sợ thì có sợ nhưng chẳng biết làm gì khác hơn. Chỉ mong sao khu dân cư hoàn thành sớm để bà con tụi tui bớt khổ”.

Đau đầu vì “cơn sốt cát”

Khu tái định cư xã Mỹ Hội Đông là công trình cấp bách. Tuy nhiên, công trình này đã chậm tiến độ khá lâu. Ông Lâm Quang Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết: “Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tỉnh đang siết chặt việc khai thác cát dẫn đến nguồn cát khan hiếm. Vừa qua, dự án nạo vét thông luồng ở Cù Lao Giêng đã bị người dân phản ứng. Tỉnh đã thông báo, tuyên truyền và vận động người dân để hiểu rõ vụ việc, nhưng bà con vẫn không đồng tình. Hiện nay, việc tìm nguồn cát khác đang rất khó khăn, vì tỉnh không thể cấp phép mới khai thác cát. Kể cả khi có dự án cũng phải đánh giá môi trường, cùng những bước có liên quan, mất rất nhiều thời gian, trong khi công trình tái định cư đang rất cấp bách.

Từ khi có chỉ đạo từ Chính phủ, các địa phương ở ĐBSCL đã quyết liệt ra quân ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển cát lậu không rõ nguồn gốc. Từ đây đã dẫn đến tình trạng khan hiếm cát xây dựng, giá cát cũng tăng phi mã. Có thời điểm, giá cát san lấp mặt bằng khoảng 200 ngàn đồng/khối; cát xây, đổ bêtông gần 500.000 đồng/khối, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nhà thầu phải mua cát với giá đắt hơn giá ban đầu nên dẫn đến thua lỗ nặng.

Như tại tỉnh Bến Tre hiện có hơn 50 công trình xây dựng hạ tầng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới phải ngưng trệ vì thiếu hụt nguồn cát. Chính quyền các địa phương đã có văn bản trình các Sở, ngành nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh giá cát cho phù hợp. Đồng thời, đề nghị cắt giảm bớt các hạng mục không cần thiết để giảm chi phí đầu tư mua cát. Ngoài các công trình hạ tầng giao thông phục vụ chương trình nông thôn mới, các trường học, trụ sở các cơ quan trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang cũng thi công dở dang do thiếu cát…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn