MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các siêu thị đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa phục vụ người dân. Ảnh: PV

Hãy là người tiêu dùng thông minh, biết nhường nhịn, sẻ chia

ANH THƯ - TRẦN KIỀU LDO | 28/03/2020 07:00
Thời gian tới dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, song Chính phủ cam kết, nguồn cung về lương thực thực phẩm vẫn đảm bảo nhu cầu thiết yếu của các gia đình không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Vì vậy, mỗi người dân cần bình tĩnh, có những lựa chọn tiêu dùng thông minh trong bối cảnh này. 

Cung cấp đủ mặt hàng thiếu yếu cho người dân

Đêm 6.3, chính quyền TP.Hà Nội thông báo thành phố có ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đầu tiên và là bệnh nhân thứ 17 tại Việt Nam. Ngay sáng hôm sau, tại các siêu thị, các chợ dân sinh ở Hà Nội đã xuất hiện hình ảnh đông nghịt người “tay xách nách mang” mỳ tôm, gạo, rau…

Trao đổi về hiện tượng này, ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đánh giá: “Việc đổ xô đi tích trữ lương thực là biểu hiện của tâm lý đám đông. Hình ảnh người dân tranh giành khi mua đồ là một hình ảnh xấu lúc này. Đáng lý ra, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân cần biết lắng nghe và sẻ chia với nhau”.

Theo ông Chức, thực tế, nước ta không thiếu các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống. Nhưng việc người dân đổ xô đi mua về tích trữ đã khiến cho một vài siêu thị nhỏ xảy ra tình trạng hết hàng tạm thời. Nhìn từ rất nhiều hướng khác nhau có thể thấy hành vi tích trữ lương thực vô tình làm cho những nỗ lực chống dịch chung gặp thêm khó khăn. Bởi tích trữ nhiều quá nhưng chưa kịp dùng hết thì đồ đã bị hỏng. Như vậy sẽ xảy ra hiệu ứng ngược là gây lãng phí lương thực, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế chung.  

Nước ta còn rất nhiều khó khăn, nhưng khi xảy ra dịch bệnh, Chính phủ và Nhà nước vẫn luôn dành những phần tốt nhất cho người dân. Chính phủ cũng đã có những chính sách và cam kết rất rõ, đảm bảo cung cấp đủ các mặt hàng cần thiết không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. “Chính phủ đã có trách nhiệm như vậy thì mọi người dân cũng cần phải chung tay đóng góp, xây dựng chiến lược chung; lắng nghe và sẻ chia trong lúc khó khăn” - ông Chức nói.

Cũng trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - đánh giá: “Về chuyện lương thực, thực phẩm ở nước ta không đáng lo. Việc xuất hiện 1-2 ngày cao điểm người dân đi tích trữ đồ ăn, thức uống như vừa qua là không cần thiết.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, so với các nước, nước ta có những điểm thuận lợi hơn vì phần lớn nông sản trong nước dồi dào, thậm chí cần xuất khẩu đi để tiếp tục sản xuất. Khi mở cửa hội nhập quốc tế, chúng ta cũng nhập khẩu nhiều vì nguồn cung các nước lớn, giá cả thuận lợi. Điều này vừa tạo cạnh tranh và cũng thúc đẩy sản xuất trong nước phải làm tốt hơn. Từ đó, cho thấy khả năng sản xuất trong nước đảm bảo được, đặc biệt sản phẩm đảm bảo thiết yếu như thịt, rau quả…”.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nông dân Việt Nam cũng có tính năng động khá tốt. Khi nhận thấy nhu cầu thị trường, họ có thể tổ chức sản xuất hoặc sản xuất tăng thêm để cung ứng mặt hàng đang thiếu.

“Dù chúng ta đang chuyển mình sang công nghiệp hoá… nhưng lao động nông nghiệp vẫn rất lớn, ngành Nông nghiệp  giữ vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Với diễn biến của dịch bệnh, những sản phẩm cơ bản phục vụ đời sống của người dân vẫn đảm bảo cung cấp được. Vì vậy, người dân không nên tích trữ đồ ăn mà nên lựa chọn mua sắm phù hợp với nhu cầu của mình và gia đình” - bà Lan nói.

Nên mua đủ dùng

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra lời khuyên: “Hiện, mọi người nên hạn chế ra ngoài, khai báo y tế thật nghiêm túc; tránh lây truyền sang người khác và tránh bị lây truyền. Thay vì lo đi tích trữ lương thực, người dân nên tăng cường các biện pháp phòng tránh, đừng để lây bệnh. Mỗi người hãy tự nhắc nhở bản thân rằng nếu một ai đó chẳng may bị mắc COVID-19 thì sẽ làm cho cuộc chiến chống dịch chung thêm khó khăn. Chính vì vậy, đừng lao ra để mua được hàng hoặc nếu có mua thì cũng chỉ nên lựa chọn những đồ thực sự cần thiết và mua đủ dùng, không nên mua quá nhiều”.

Khi Hà Nội ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên thì chị D.L - Chung cư thấp tầng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cũng như nhiều người dân khác tỏ ra lo lắng. Những tin nhắn từ người thân giục đi mua thực phẩm tích trữ chưa hay những hình ảnh người dân ùn ùn vào siêu thị “bê đồ” về nhà ngập tràn trên mạng xã hội lúc này khiến chị D.L cũng bối rối theo.

“Tan ca chiều hôm đó qua siêu thị mua đồ ăn chuẩn bị cho bữa tối, tôi nhìn thấy hình ảnh người dân xếp hàng mua gạo, thùng mỳ tôm, rau củ quả… và siêu thị liên tục thông báo vẫn có hàng hoá dự trữ và sẽ chuyển lên kệ bày bán. Dù chỉ ý định mua thực phẩm về ăn tối, nhưng nhìn thấy tình hình này tôi tranh thủ mua thêm một ít đồ khác” - chị D.L thừa nhận.

Ngay sau đó, nhận được thông tin từ phía cơ quan chức năng về việc các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn đều có đủ lượng hàng để cung cấp cho người dân trong dài hạn khiến chị D.L yên tâm hơn.

Chị Trần Thuý - Khu đô thị Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - cho biết: “Gia đình tôi thấy yên tâm với nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước. Dù là có dịch bệnh, song những siêu thị, chợ dân sinh luôn ắp đầy thực phẩm tươi ngon. Mỗi người chúng ta nên là người tiêu dùng thông thái, theo dõi thông tin uy tín từ cơ quan chức năng chứ đừng để những người đầu cơ, tranh thủ thổi giá làm hoang mang”.

Theo chị Thuý, việc làm tích lũy thực phẩm chỉ gây tốn kém, khiến thực phẩm tăng giá. Đồ ăn được tích trữ quá lâu sẽ mất tươi ngon, ảnh hưởng sức khỏe mà lại gây lãng phí vì hỏng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn