MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại Kỳ họp 3 Quốc hội khoá XV. Ảnh: QH

Hết năm 2021, vượt mục tiêu tinh giản 10% biên chế so với năm 2015

Nhóm PV LDO | 23/05/2022 16:01
Đến hết năm 2021 biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm 12,35% so với năm 2015

Chiều 23.5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 3 Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành đầy đủ và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung thuộc chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP)

Ông khẳng định, mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương 2,58%;  Thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng 16,8% so với dự toán; Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, xuất siêu 4 tỉ USD; Lạm phát được kiềm chế;

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt; Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy kéo dài; Một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế duy trì triển vọng kinh tế của Việt Nam ở mức tích cực. Tuy nhiên, kinh tế nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 không đạt kế hoạch; kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, sức ép lạm phát tăng;…

Nêu kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 trên các lĩnh vực, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước góp phần thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Kết quả thu NSNN đạt 1,568 triệu tỉ đồng, vượt 16,8% so với dự toán. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tổ chức điều hành dự toán NSNN chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; cải cách công tác kiểm soát chi NSNN; thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021. Tổng số chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.854,9 nghìn tỉ đồng, bằng 110% dự toán. 

Về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng lao động, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan chuyên môn và tương đương. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015. 

Đến hết năm 2021 biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW. Một số đơn vị đạt kết quả tốt, như: Bộ Tài chính, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Phúc, An Giang…

Kiến nghị thu hồi 17,8 nghìn tỉ đồng và thu hồi 811 ha đất qua thanh tra

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2021, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 179 nghìn tỉ đồng, 9.258 ha đất; kiến nghị thu hồi về NSNN 17,8 nghìn tỉ đồng và thu hồi 811 ha đất.

Bên cạnh đó, đã tiến hành xử lý hành chính đối với 2.341 tập thể và 6.244 cá nhân; ban hành 132.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, với số tiền 3.694 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo quy định 437 vụ, 259 đối tượng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thông tin, công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Cơ bản hoàn thành việc ban hành quy định về phân cấp trong quản lý, sử dụng tài sản công làm cơ sở tổ chức, thực hiện việc đầu tư, xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí, sử dụng, khai thác và xử lý tài sản công.

Công tác sắp xếp trụ sở, nhà, đất công tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, bên cạnh việc tạo nguồn tài chính thông qua sắp xếp nhà, đất góp phần chỉnh trang đô thị, đưa nhà đất vào sản xuất kinh doanh đóng góp nguồn thu lâu dài cho NSNN. Đến ngày 31.12.2021, đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 29.625 cơ sở nhà, đất; thực hiện thu hồi 122 cơ sở nhà, đất khi thực hiện sắp xếp lại, chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý đối với 401 cơ sở nhà, đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn