MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: BTC

Hiến kế, tìm dư địa mới để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững

Cường Ngô LDO | 05/12/2021 11:30

Chủ trì và phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững", Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, những đề xuất về giải pháp tài khóa, tiền tệ tại Diễn đàn lần này nằm ngoài khung khổ chính sách mà Quốc hội đã quyết định, cho phép chúng ta tìm kiếm một không gian, một dư địa mới để đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển bền vững.

Sử dụng đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam sáng 5.12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì được tăng trưởng kinh tế với tốc độ 2,91%; là một trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương cao nhất thế giới.

Sang năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ kép, phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế nên 6 tháng đầu năm, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,96%. 

Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư với chủng mới Delta đã gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội; quý III tăng trưởng kinh tế âm, nên 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,42% và dự kiến cả năm vẫn đạt tăng trưởng dương, nhưng chắc chắn không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong 2 năm qua, để ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ cho phát triển kinh tế và xã hội, Việt Nam đã sử dụng khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa tiền tệ của Việt Nam - theo tính toán của các chuyên gia, trong 2 năm 2020 và 2021 ước khoảng 4%, thấp hơn một chút so với mức bình quân của các nước trên thế giới.

Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng triển khai theo thẩm quyền chương trình tổng thể về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế.

Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ, để hỗ trợ cho 2 chương trình này, phục vụ cho mục tiêu chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét và quyết định và phải quyết định sớm.

Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan của Quốc hội cùng với các cơ quan của Chính phủ đã phối hợp rất chặt chẽ trong thời gian vừa qua và dự kiến trong cuối tháng 12 này, nếu chuẩn bị được hoàn tất, đầy đủ thì tại Phiên họp thường niên tháng 12 tới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định và đề nghị với Quốc hội cho tổ chức một kỳ họp bất thường vào cuối năm nay, để xem xét vấn đề rất quan trọng này cùng với một số vấn đề rất cấp bách liên quan đến quốc kế dân sinh khác.

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: BTC

Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là hai chữ P – tức là Phục hồi và Phát triển bền vững. Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững.

"Nhưng, những giải pháp ngắn hạn và trung hạn thì phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững, không chỉ có vấn đề về kinh tế, mà cả vấn đề về xã hội, về môi trường và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Do đó, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ rất nặng nề trong việc nghiên cứu và thiết kế các chính sách này để đạt được các mục tiêu nêu trên" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Một nội dung rất quan trọng nữa của diễn đàn là trao đổi, giải đáp câu hỏi sẽ huy động nguồn lực từ đâu, nhất là trong điều kiện thị trường vốn trung và dài hạn của Việt Nam còn đang hạn chế; sẽ phân bổ các nguồn lực vào các nội dung mục tiêu cụ thể nào trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam; giải đáp được câu hỏi là năng lực hấp thụ với nền kinh tế, nhất là trong điều kiện còn những điểm nghẽn, những vướng mắc.

"Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, những giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ và đề xuất trong diễn đàn này là ngoài khung khổ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa mà Quốc hội đã quyết định, cho phép tìm kiếm một không gian, một dư địa ngoài khung khổ Quốc hội đã quyết định. Có nghĩa đây là những khung khổ tài chính và tiền tệ bổ sung", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn