MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ phát động phong trào "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hiến tặng mô, tạng sau khi chết não để tiếp nối hy vọng cho người bệnh

Lệ Hà LDO | 19/05/2024 12:44

“Mỗi người Việt Nam không phân biệt vùng miền, ngành nghề... hãy đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết não để tiếp nối hy vọng cho người bệnh. Với tinh thần "cho đi là còn mãi", đó là nghĩa cử cao đẹp nhất, là sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" diễn ra vào sáng 19.5 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).

Dự chương trình có: Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Trung tướng Lê Văn Tuyến - Thứ trưởng Bộ Công an; ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Các đồng chí lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể, viện, Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ…

Hiến mô, tạng là món quà quý giá mà một người có thể trao tặng cho người khác

Phát biểu phát động chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, đã có hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, sự kiện hôm nay càng đặc biệt hơn khi được tổ chức đúng vào ngày 19.5 - Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Người đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân và hòa bình, tiến bộ của nhân loại.

Thủ tướng và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Đoàn kết, tương thân, tương ái, trọng tình nghĩa, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được các thế hệ người Việt Nam ta xây dựng, gìn giữ, vun đắp và phát huy từ ngàn đời nay - đó chính là những yếu tố làm nên vẻ đẹp của con người Việt Nam, làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Truyền thống quý báu đó của dân tộc ta đã ngày càng được phát huy, lan tỏa với biết bao hành động cao đẹp, gương người tốt, việc tốt, từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống hằng ngày. Truyền thống quý báu đó được thể hiện rõ nét qua những câu chuyện ấm áp tình người, những tấm lòng thiện nguyện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đồng bào giữa thiên tai khắc nghiệt, khốn khó chồng chất khi gặp bão lũ.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong hơn 30 năm qua, lĩnh vực ghép tạng đã đạt được sự tiến bộ vượt bậc đó chính là nhờ 3 nhân tố chủ yếu: Thứ nhất: Chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước. Thứ hai: Sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế. Thứ ba: Đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân.

Thủ tướng đề nghị các đơn vị cần tiếp tục phát triển ngành ghép tạng, mở rộng nguồn mô tạng hiến từ người chết, chết não. Nghiên cứu chính sách ưu tiên, cơ chế đặc thù, khuyến khích cho lĩnh vực hiến, ghép mô tạng.

Bên cạnh đó cần lưu ý một số việc mọi hành vi thương mại hóa và mua bán mô bộ phận cơ thể người mua đều bị nghiêm cấm. Việc hiến tặng là hoàn toàn tự nguyện mang tính nhân đạo không nhầm mục đích thương mại. Trung tâm điều phối và các bạn tham gia điều phối tạng đúng luật pháp minh bạch công bằng và bác ái. Các cơ quan chức năng tổ chức liên quan cần thực hiện đúng các quy định không được để trục lợi làm sai làm méo mó chủ trương của Nhà nước và vận động hiến mô tạng.

"Tôi kêu gọi mỗi người Việt Nam không phân biệt vùng miền, ngành nghề... hãy đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để tiếp nối hy vọng, cho người bệnh. Với tinh thần "cho đi là còn mãi", đó là nghĩa cử cao đẹp nhất, là sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề xuất cần có một ngày để tôn vinh, vận động đăng ký hiến mô tạng: "Có thể lấy ngay ngày hôm nay 19.5, ngày sinh Bác Hồ, làm Ngày hiến tặng mô, tạng".

Sau khi phát động Chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Hãy dành lại sự sống cho người bệnh

Theo Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, Bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ghép tạng là cứu cánh cuối cùng để dành lại sự sống cho những bệnh nhân mà không có lựa chọn nào khác. Thực tế tại Việt Nam và trên thế giới hiện có nhiều người đang khắc khoải sống hàng giờ, hàng ngày chờ được ghép tạng để giành lại sự sống.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nhu cầu ghép tạng trên thế giới và của Việt Nam là rất lớn và ngày càng tăng. Ở nước ta có số người đăng ký hiến tạng và số người hiến tạng sau chết vào loại thấp nhất thế giới, đạt 0,1 người/1 triệu dân, trong khi ở Tây Ban Nha là 50 người/1 triệu dân. Nhiều nước, ở Âu Mỹ, luật pháp quy định khi công dân đăng ký thẻ căn cước thì cũng là đăng ký hiến tạng, trừ một số lí do đặc biệt thì mới có đơn xin không đăng ký. Ngoài quy định hiến tạng sau chết não, luật còn quy đình hiến tạng sau chết tim và tuổi hiến tạng của nhiều nước là trên 60 tuổi, có nhiều trường hợp hiến tạng trên 80 tuổi (Việt Nam luật quy định dưới 60 tuổi). Vì thế số người hiến tạng sau chết não ở các nước Âu Mỹ rất cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hằng năm, trên thế giới có hàng triệu người được ghép mô, tạng; số lượng người bệnh chỉ định ghép mô, tạng ngày càng gia tăng qua các năm. Tại Việt Nam, trải qua 32 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người vào tháng 6.1992, đến nay, ngành Y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới.

Hiện nay, trên toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công. Với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm, Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có số lượng ghép tạng mỗi năm cao hơn 1.000 ca. Trong những năm qua, ngành Y tế đã có những nỗ lực để tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết não. Trước năm 2023, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, nhưng hiện nay với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia đã triển khai thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại 9 bệnh viện, trong đó đã thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại một số bệnh viện tuyến tỉnh. Cùng với đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng mạng lưới bệnh viện hiến trên toàn quốc với 68 bệnh viện, tỉ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022, trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với năm 2023.

“Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 8 -10 người khác, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lan tỏa giá trị, tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn