MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách - Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH

Hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá

tuệ linh LDO | 23/03/2021 06:30
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra tầm nhìn và những định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới. Trong đó, nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước sẽ đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần cải cách về thể chế, phải phát triển nguồn nhân lực và lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số

Nói về vấn đề này, TS Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội - cho biết, tất cả nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời gian tới đều đã được nêu rất rõ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Từ khi thảo luận xây dựng văn kiện đến khi được thông qua tại Đại hội đều đã có. Trong đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững các lĩnh vực; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Theo ông Thụ, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến nền kinh tế toàn thế giới tăng trưởng âm trong năm 2020. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thành tựu kinh tế xã hội của chúng ta đạt được cũng hết sức ấn tượng. Dù tăng trưởng thấp hơn trước, nhưng với mức gần 3%, đã đưa Việt Nam lọt vào tốp đầu những nước tăng trưởng cao trên thế giới. Nền kinh tế của chúng ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã có đà, nếu quản lý, điều hành tốt, những lợi thế từ các hiệp định mới sẽ tạo ra lợi thế để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, giữ vững tỉ giá, kiểm soát chắc lạm phát.

Ông Thụ cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát, đẩy mạnh sang kinh tế thị trường, thực hiện đúng theo nguyên lý kinh tế thị trường. Thay đổi về chất, từ quản lý bằng thủ công, sang cách mạng 4.0, đòi hỏi cải cách quản lý nhà nước trong tình hình mới phải quyết liệt hơn. Việc hội nhập kinh tế cũng cần được quan tâm, phải đổi mới để quản lý tốt hơn, tìm ra phương thức mới cho phù hợp, không thể áp dụng mô hình, cách làm cũ. Ngoài ra, nước ta cũng phải tạo lập cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho việc đổi mới công nghệ, số hoá nền kinh tế ở phạm vi rộng rãi. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, phải sử dụng đồng tiền thực sự hiệu quả, trở thành vốn mồi, thu hút các thành phần kinh tế khác. Cần giải phóng kinh tế tư nhân, có chính sách tháo gỡ, thúc đẩy họ trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế.

Cùng trao đổi với Lao Động, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư - cho rằng, Việt Nam cần cải cách toàn diện các mặt, các lĩnh vực; phải phát triển nguồn nhân lực và lao động chất lượng cao; hệ thống kết cấu hạ tầng. Để làm được điều này, Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện để họ tham gia vào các lĩnh vực mà Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ. Từ đó phát huy tối đa sức mạnh của sự sáng tạo, tính năng động của nhân dân cả trong và ngoài nước, của nguồn lao động và của cấp lãnh đạo quản lý. Nếu làm được những mặt đó, Việt Nam có thể đạt được, thậm chí vượt xa các mục theo theo từng giai đoạn.

Rà soát để bãi bỏ các rào cản trong kinh doanh

Theo TS Lê Đăng Doanh, việc cải cách phải được làm quyết liệt, hiệu quả. Các thủ tục hành chính cần được giảm thiểu theo hướng công nghệ số, rà soát để bãi bỏ các rào cản trong kinh doanh. Nên có sự cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường.

Để đạt được mục tiêu như Đại hội XIII của Đảng đề ra, ông Doanh cho biết cần lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển dựa theo lợi thế của đất nước. Đây phải là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác. Việc xác định các ngành công nghiệp ưu tiên phải định kỳ phải đánh giá hiệu quả hoạt động theo các tiêu chí để có điều chỉnh phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn