MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên khai mạc Hội thảo khoa học: "50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm" ngày 16.1. Ảnh: Hải Nguyễn

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà LDO | 16/01/2023 11:47
Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Mở ra bước ngoặt trong cuộc kháng chiến

Hội thảo khoa học: "50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm" diễn ra ngày 16.1 tại Hà Nội.

Sự kiện do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng tổ chức. Sự kiện là diễn đàn của các nhân chứng lịch sử, các chuyên gia, các nhà khoa học trao đổi về một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc và nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Phát biểu diễn văn khai mạc và dẫn đề hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ngày 27.1.1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết tại Paris, mở ra bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, tạo thuận lợi cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hội thảo nhằm nêu bật tầm vóc, ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với tiến trình lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, đúc kết những bài học kinh nghiệm vận dụng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Hải Nguyễn

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị phân tích làm rõ thắng lợi về Hiệp định Paris - đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng.

Từ năm 1965, cùng với việc đưa quân trực tiếp xâm lược miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc vận động ngoại giao với danh nghĩa để giải quyết vấn đề Việt Nam nhưng thực chất là đòi Việt Nam thương lượng, không điều kiện.

Trước tình hình đó, Đảng ta đã khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, phản bác các luận điệu hòa bình giả hiệu của nhà cầm quyền Mỹ đòi Việt Nam thương lượng vô điều kiện, đồng thời đã trù tính đến cục diện vừa đánh vừa đàm.

Nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp lần thứ 13 tháng 1.1967 đã chỉ rõ: Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở Việt Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường, qua đó nâng đấu tranh ngoại giao thành mặt trận ngoại giao phối hợp với mặt trận chính trị và mặt trận quân sự có giá trị như một bản cương lĩnh đấu tranh ngoại giao của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Cuộc đọ sức cam go, phức tạp

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân năm 1968, Hội nghị Paris chính thức diễn ra, đánh dấu cuộc đọ sức trên mặt trận ngoại giao, tạo cục diện "vừa đánh vừa đàm". Cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris diễn ra đầy cam go, phức tạp kéo dài gần 5 năm với 202 phiên công khai, 36 phiên gặp riêng bí mật với 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn, đàm phán. 

Cuối cùng, đúng 12h30 phút, giờ Paris, ngày 22.1.1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và cố vấn Mỹ Kissinger ký tắt. Ngày 27.1.1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức giữa bộ trưởng ngoại giao các bên.

"Đây là văn kiện pháp lý quốc tế khẳng định thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, với những điều khoản quan trọng" - ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

Hội thảo ngày 16.1 nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Những điều khoản đó là: Mỹ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Quân đội Mỹ và các nước đồng minh rút khỏi Việt Nam. Nhân dân miền nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ. Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình.

"Trải qua một quá trình đấu tranh bền bỉ, kiên trì đầy hy sinh gian khổ, từ Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946, Tạm ước 4.9.1946, Hiệp định Geneva 21.7.1954, cho đến Hiệp định Paris, Việt Nam đã khẳng định với thế giới là một quốc gia hoàn toàn độc lập có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho sự vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chủ trương thêm bạn bớt thù, dự báo và nắm đúng thời cơ để đi đến thắng lợi quyết định" - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thắng lợi rực rỡ này là kết quả của 18 năm kiên trì chiến đấu, vượt qua muôn nghìn hy sinh gian khổ của 40 triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước ta. Đó là thắng lợi của tinh thần không có gì quý hơn độc lập tự do, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường 4 nghìn năm của dân tộc Việt Nam. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn