MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Hồ Long/VPQH

Hồ chứa nước Ka Pét sau điều chỉnh tăng hơn 288 tỉ đồng

NHÓM PV LDO | 22/05/2023 18:27

Bình Thuận - Dự án hồ chứa nước Ka Pét (Bình Thuận) có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 874,089 tỉ đồng, tăng 288,442 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, chiều nay, 22.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26.11.2019 với tổng mức đầu tư là 585,647 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án có sự thay đổi về đơn giá nhân công, máy móc thiết bị, giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt chính sách đền bù giải phóng mặt bằng nên tổng mức đầu tư dự án tăng so với tổng mức đầu tư sơ bộ đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị Quyết số 93/2019/QH14 ngày 26.11.2019.

Xét thấy việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là do nguyên nhân khách quan và để có đủ điều kiện triển khai thực hiện dự án phát huy hiệu quả đầu tư; theo điểm e khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư công năm 2019, việc UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án là cần thiết và tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 34 và khoản 5 Điều 43 của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 874,089 tỉ đồng (tăng 288,442 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14).

Vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 là 50 tỉ đồng, số vốn còn lại chưa giải ngân là 47,299 tỉ đồng đã được Quốc hội đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết ngày 31.12.2022 (Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28.7.2021).

Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép kéo dài nguồn vốn này để bảo đảm đủ nguồn vốn thực hiện dự án. Bên cạnh đó, điều chỉnh diện tích sử dụng đất của dự án thành 697,73 ha (tăng 4,42 ha); thời gian thực hiện dự án: từ năm 2019-2025 (tăng thêm 1 năm so với chủ trương của Quốc hội).

Về bổ sung cơ chế đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, nhưng quy mô dự án chỉ tương đương nhóm B.

Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện dự án, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép giao UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư dự án tương tự như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ và hồ sơ dự án là cần thiết.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các khoản mục chi phí để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện dự án và chịu trách nhiệm toàn diện về căn cứ, phương pháp xác định, tính chính xác của các số liệu trong nội dung cấu thành chi phí, sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, đánh giá thêm các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc thay đổi các giải pháp kỹ thuật so với thiết kế ban đầu, chậm hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt dự án, dẫn đến chậm tiến độ, qua đó rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án sau này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn