MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hà Giang

Hỗ trợ trực tiếp bằng miễn, giảm thuế phí sẽ giúp doanh nghiệp kịp về đích

Nhóm PV LDO | 31/10/2023 08:35

Để vực dậy nền kinh tế, trao đổi với Báo Lao Động, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, có thể hỗ trợ trực tiếp bằng miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, thậm chí là có giải pháp giảm sâu hơn. Về hỗ trợ gián tiếp, cần cải thiện môi trường đầu tư và cải cách hành chính để giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp khó chồng khó, cần hỗ trợ trực tiếp bằng miễn, giảm thuế, phí

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, từ chiều 31.10 đến hết ngày 1.11, Quốc hội dành 1,5 ngày để thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Trao đổi về nội dung này, bên hành lang Quốc hội, nhiều ĐBQH cho rằng, để hoàn thành kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, cần phải nhận diện đúng và khách quan những khó khăn nội tại để đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Nói với Lao Động, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho hay, thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đang rất khó khăn, biểu hiện rõ nhất khi số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với hơn 135.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 9 tháng năm 2023; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động; tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến...

Do đó, cần có sự hỗ trợ trực tiếp lẫn gián tiếp cho doanh nghiệp.

Ông cho rằng, có thể hỗ trợ trực tiếp bằng miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, thậm chí là có giải pháp giảm sâu hơn.

Về hỗ trợ gián tiếp, trước hết cải thiện môi trường đầu tư và cải cách hành chính để giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, xây dựng nền công vụ phục vụ hiệu quả, đem lại năng lượng cho doanh nghiệp để họ không nản lòng.

Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, đầu tư công là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết điểm nghẽn, làm bệ phóng tăng tốc cho kỳ kế khoạch 2026 - 2030.

Để tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện môi tường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giảm logistic... thì cần tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng.

Cần khơi thông mọi nguồn lực và tận dụng mọi cơ hội

ĐBQH Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2024 còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác đánh giá, dự báo tình hình, xu hướng phát triển là rất quan trọng.

“Để hoàn thành mục tiêu phát triển KTXH trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo cần khơi thông mọi nguồn lực và tận dụng mọi cơ hội mà chúng ta đã và đang có để tiếp tục phát triển kinh tế.

Đồng thời tập trung tháo gỡ dứt điểm khó khăn vướng mắc một số điểm nghẽn liên quan đến thị trường bất động sản, trái phiếu... doanh nghiệp; tháo gỡ các dự án còn dang dở. Cần sớm trình rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động” - ông nói.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Trị - cho hay, nhiều tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục có phương án điều chỉnh lãi suất cho vay, xem xét xây dựng các gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi với doanh nghiệp.

Thực tế, hai lần tăng lãi suất điều hành vào tháng 9 và 10.2022, mỗi lần tăng 1%, khiến lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống đột ngột tăng cao những tháng cuối năm ngoái, với lãi huy động trên 11% và cho vay hơn 13%.

“Việc đột ngột tăng lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi, trong khi ngân hàng trung ương các nước có nhịp độ tăng dần từ đầu năm, là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế, môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân và doanh nghiệp không lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn, ổn định” - ông Đồng nhận xét.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn