MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Hòa Bình và đề nghị tỉnh cần phát huy lợi thế để tăng trưởng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hòa Bình cần khắc phục tồn tại, đẩy mạnh chỉ số cạnh tranh

Khánh Vũ LDO | 11/12/2018 19:03
Dự hội nghị xúc tiến đầu tư và làm việc với tỉnh Hòa Bình ngày 11.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá về những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hòa Bình so với các tỉnh vùng Tây Bắc và mong muốn tỉnh Hòa Bình có nhiều bước tiến mới trong phát triển kinh tế, xã hội. 

Hòa Bình còn bỏ phí các lợi thế

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho biết: Tốc độ tăng trưởng của tỉnh đứng thứ 19 cả nước (8,36%). So sánh với 6 tỉnh vùng Tây Bắc, Hòa Bình có 4 chỉ tiêu đứng thứ nhất: So xã và đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí nông thôn mới, số dự án và vốn đầu tư FDI, cơ cấu kinh tế công nghiệp- xây dựng, tỉ lệ hộ nghèo); có 3 chỉ tiêu đứng thứ 2: Tốc độ tăng trưởng, GRDP bình quân đầu người và kim ngạch xuất, nhập khẩu; và 1 chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước đứng thứ 3. Tuy nhiên, tỉnh có  2 chỉ tiêu phát triển kinh tế không đạt chỉ tiêu kế hoạch… 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả Hòa Bình đạt được thời gian qua như phát triển toàn diện, tốc độ cao, cơ cấu chuyển dịch tích cực... Thủ tướng cũng chỉ ra, quy mô sản xuất kinh doanh nội địa còn nhỏ. Nội lực kinh tế và năng lực cạnh tranh còn thấp. Hầu hết doanh nghiệp (DN) tư nhân của tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Mặc dù Hòa Bình có nhiều cố gắng vượt thu trong năm nay, nhưng mới đáp ứng được 30% nhu cầu chi, Thủ tướng mong muốn tỉnh cần phấn đấu mạnh mẽ hơn, bởi trong nhiều năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hòa Bình thường xuyên nằm ở nhóm sau trong 63 tỉnh, thành phố; năm qua, chỉ xếp hạng 52/63 địa phương; vẫn còn phản ánh về tình trạng đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế: Có tới 49% DN cho rằng tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn là phát triển khu vực tư nhân; 63% phản ánh tỉnh ưu đãi DN lớn hơn là doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Xây dựng tổng thể chương trình phòng chống thiên tai

Nhấn mạnh về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Hòa Bình là tỉnh kề cận và nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội có lợi thế, cơ hội phát triển của tỉnh, cần xác định những mục tiêu phấn đấu cao hơn và quyết liệt hơn khai thác hiệu quả nguồn lực tự nhiên, đất đai, văn hóa và con người để phát triển lâu dài và bền vững, tận dụng các lợi thế mới để tạo ra bước phát triển mạnh mẽ về du lịch, văn hóa…

Tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng quy hoạch chiến lược tổng thể để phát triển đồng bộ các ngành lĩnh vực thế mạnh. Hòa Bình cần phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến gỗ xuất khẩu, một tiềm năng rất lớn khi mà đất chưa có rừng lên tới hơn 112.800ha, có khả năng cung cấp đến hơn 400.000m3 gỗ hàng năm. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sạch, hữu cơ để cung ứng cho vùng Thủ đô cũng như hướng về xuất khẩu.

Thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng theo chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị; khai thác lợi thế khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Thủ tướng cho rằng, con người, đất đai, núi đồi, sông nước, đặc biệt là văn hóa của đồng bào Hòa Bình là một thế mạnh hiếm hoi, có giá trị trong phát triển lâu dài. Tỉnh cần tập trung vào một số lĩnh vực như du lịch, xây dựng Hòa Bình thành tỉnh du lịch thực sự bởi có nhiều tiềm năng và lợi thế.

Đặc biệt, Hòa Bình cần có chương trình tổng thể Phòng chống thiên tai, triển khai các giải pháp căn cơ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đập Thủy điện Hòa Bình và vùng hạ du, các vùng có nguy cơ, đồi Ông Tượng. Đây là vùng chân đập sông Đà, cần có nghiên cứu cơ bản, không chất tải thêm vào khu vực này. Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng nghiên cứu cơ bản khu vực này để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn