MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hóa giải khó khăn, huy động mọi nguồn lực để tỉnh Tiền Giang phát triển

Thành Nhân LDO | 24/03/2024 12:24

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, xác định và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, miền và địa phương; tìm ra và hóa giải khó khăn, thách thức, tồn tại; lựa chọn mô hình phù hợp, huy động mọi nguồn lực đầu tư để tỉnh Tiền Giang phát triển nhanh và bền vững, nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc.

Sáng 24.3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư của tỉnh Tiền Giang.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Thành Nhân

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Danh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Tiền Giang - cho biết, đến năm 2030, Tiền Giang sẽ cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Ngoài ra, Tiền Giang có vị trí thuận lợi "trên bến dưới thuyền", có vai trò kết cấu quan trọng giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thành Nhân

"Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ động lực mới, quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang thời gian tới. Trong đó, các định hướng, ưu tiên phát triển là: Một dải, hai tâm, ba khâu đột phá phát triển, bốn hành lang kinh tế.

Theo đó, một dải ven sông Tiền để chủ yếu phát triển du lịch; hai tâm là trung tâm kinh tế biển Gò Công Đông - Tân Phú Đông và vùng sinh thái công nghiệp Tân Phước; ba khâu đột phá phát triển: Hạ tầng, cải cách hành chính - cải thiện môi trường đầu tư và nguồn nhân lực; bốn hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hành lang kinh tế dọc theo Quốc lộ 1, hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và Quốc lộ 50, hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với vùng ĐBSCL", ông Nguyễn Văn Danh nói.

Ông Nguyễn Văn Danh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Tiền Giang - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Nhân
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư. Ảnh: Thành Nhân

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những thách thức mà tỉnh Tiền Giang phải khắc phục, như biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún và ngập mặn, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu.

Thủ tướng cũng nêu rõ, với vai trò rất quan trọng, thời gian qua, công tác quy hoạch đã được triển khai đồng bộ, bài bản, khoa học từ Trung ương đến địa phương với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược trên tinh thần quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, xác định và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, miền và địa phương, tìm ra và hóa giải, khắc phục những khó khăn, thách thức, mâu thuẫn, tồn tại; lựa chọn mô hình phù hợp, đúng hướng, huy động mọi nguồn lực đầu tư để tỉnh Tiền Giang phát triển nhanh và bền vững, nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc.

Trước đó, ngày 31.12.2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1762/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Tiền Giang phát triển công nghiệp hiện đại, tập trung, quy mô lớn, thân thiện với môi trường; trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh Tiền Giang, trong đó tập trung phát triển tại 2 khu vực:

- Khu vực công nghiệp Tân Phước (khoảng 10.000 ha), tập trung phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

- Khu vực công nghiệp Gò Công (khoảng 5.000 ha) phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: logistics, dịch vụ dầu khí, cảng, công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghệ cao...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn