MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh Gia Hân

"Hòa giải viên từ nơi này sang nơi khác có thể dẫn tới thừa, thiếu cục bộ"

Vương Trần LDO | 10/01/2020 13:04
Phạm vi hoạt động của các hòa giải viên theo dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận liên quan.

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án vào sáng 10.1.

Những vấn đề nhận được nhiều ý kiến quan tâm trong dự thảo Luật đó là phạm vi hoạt động của hòa giải viên; về chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án; thủ tục ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành đối thoại thành; việc xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hiện nay 3/4 vấn đề trên đều đã được các cơ quan thống nhất cao. Riêng về vấn đề phạm vi hoạt động của hòa giải viên hiện còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo nội dung của dự thảo Luật tại Điều 10 và Điều 15 thì Hòa giải viên chỉ được hoạt động giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của tòa án nơi họ đã được bổ nhiệm (tức là chỉ nằm trong danh sách hòa giải viên của tòa án đó).

Về quy định này, nhiều ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi hoạt động của hòa giải viên theo hướng hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải tại các tòa án khác ngoài tòa án họ đã được bổ nhiệm nhưng phải trong phạm vi cấp tỉnh.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến đề nghị cân nhắc nên giữ lại như quy định của dự thảo Luật đã được Tòa án Nhân dân Tối cao trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, theo đó các bên được lựa chọn hòa giải viên trong danh sách hòa giải viên của tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh Gia Hân

Liên quan tới việc này, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, về ý kiến đề xuất mở rộng hoạt động của hòa giải viên theo cấp tỉnh cũng là tạo cơ hội để người dân có cơ hội lựa chọn các hòa giải viên.

Tuy vậy, theo ông bước đầu nên giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của các tòa án nơi họ được bổ nhiệm (tức là chỉ nằm trong danh sách hòa giải viên của tòa án đó).

“Căn cứ để xác định số lượng hòa giải viên tại các tòa dựa trên số lượng và nhu cầu công việc tại các đơn vị đó, phù hợp với quy mô hoạt động thực tiễn hàng năm. Nếu hòa giải viên từ nơi này sang làm việc tại nơi khác thì có thể tạo ra việc thiếu, thừa cục bộ. Hay việc bình xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ mà hòa giải viên từ nơi này sang nơi kia làm thì tòa án khó nắm rõ được việc thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn như thế nào?

Do vậy, chúng tôi đề xuất hoạt động của hòa giải viên theo địa hạt quận, huyện để tạo thuận lợi cho hoạt động của các tòa án. Tuy nhiên, về lâu dài có thể chọn hoạt động rộng hơn là trong địa bàn tỉnh” – Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cân nhắc vấn đề này. Theo ông, quy định mở rộng phạm vi hoạt động của hòa giải viên sẽ tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được hòa giải viên mà họ tín nhiệm.

“Các luật sư đăng ký ở đoàn luật sư các tỉnh nhưng phạm vi hoạt động của họ ở khắp cả nước, có thể tham gia tố tụng ở các nơi khác… Do vậy, đối với hòa giải viên không nên quy định, ràng buộc hoạt động tại một đơn vị cấp quận, huyện mà có thể mở rộng ra phạm vi trong tỉnh, thành phố” – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn ví dụ và đề nghị cân nhắc quy định trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn