MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Hoàn thành dự án tái định cư, kịp thời ổn định đời sống người dân bị thu hồi đất

Vương Trần - Giang Linh LDO | 03/11/2023 18:33

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương - cho rằng, cần phải hoàn thành dự án tái định cư khi thu hồi đất hoặc có phương án thay thế như các quỹ nhà và đất tái định cư sẵn có của địa phương, nhằm kịp thời ổn định đời sống các hộ dân khi bàn giao đất để thực hiện dự án.

Phải “hoàn thành dự án tái định cư” mới bảo đảm chặt chẽ

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 3.11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - nêu ý kiến liên quan tới lập và thực hiện dự án tái định cư (Điều 110 dự thảo Luật).

Theo đó, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị quy định rõ trình tự, thủ tục lập Báo cáo tái định cư và triển khai quá trình tái định cư cũng như công tác giám sát thực hiện tái định cư.

Nữ đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng, cần quy định báo cáo tái định cư phải được thực hiện cùng với báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo khả thi vì 3 báo cáo này đều phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới đủ cơ sở pháp lý tiến hành dự án, dù đó là dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh hay các dự án phát triển quỹ đất.

Mặc khác, việc lập báo cáo tái định cư phải giao cho tư vấn độc lập theo quy định của Luật Đấu thầu. Tư vấn này phải độc lập hoàn toàn về quyền lợi với những hộ bị ảnh hưởng (bị thu hồi đất) và độc lập với bên đền bù (cơ quan quản lý nhà nước về đất đai) và chủ đầu tư dự án. Tư vấn này cũng phải đảm bảo chuyên môn để xác định giá thị trường đối với đất, nhà và tài sản trên đất bị thu hồi.

Ngoài ra, cần có tư vấn độc lập giám sát quá trình thực hiện đền bù, đảm bảo các nguyên tắc, quy định trong Báo cáo tái định cư và phương án phê duyệt được tuân thủ nghiêm ngặt, kể cả trong quá trình kiểm đếm, nhận tiền đền bù, di chuyển nơi ở mới và quá trình phục hồi kinh tế của các hộ bị ảnh hưởng, thu hồi đất.

“Làm tốt việc này sẽ tránh được khiếu kiện của người dân và đảm bảo tính bền vững của dự án” - ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân nói.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân chỉ rõ, tại Khoản 1 có nêu: “UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất”. Tuy nhiên, không có quy định về việc phải hoàn thành khu tái định cư trước bao lâu hoặc trước thời gian người dân bàn giao đất cho Nhà nước. Nếu chỉ yêu cầu “thực hiện dự án tái định cư” thì chưa đủ, thay vào đó phải “hoàn thành dự án tái định cư” mới bảo đảm chặt chẽ.

“Nếu không hoàn thành khu tái định cư thì phải có phương án thay thế như các quỹ nhà và đất tái định cư sẵn có của địa phương nhằm kịp thời ổn định đời sống các hộ dân khi bàn giao đất để thực hiện dự án” - ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân nêu ý kiến.

Làm rõ nguyên tắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất

ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) đề nghị cần cụ thể hóa quy định về tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quản lý khai thác, sử dụng quỹ đất đã thu hồi tại Điều 86 của dự thảo Luật.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam). Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Theo đó, cần làm rõ tổ chức được thực hiện các chức năng vừa nêu là tổ chức công lập hay tổ chức tư nhân. Đồng thời, làm rõ nguyên tắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi tại Điều 91 để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Đại biểu Trinh cho rằng, cần quy định rõ hơn các tiêu chí cơ bản bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ để tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thu hồi và tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây cản trở quá trình triển khai các công trình, dự án lớn.

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông). Ảnh: Văn phòng Quốc hội.

Còn ĐBQH Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị, cần quy định cụ thể hơn loại đất cho hoạt động khoáng sản. Theo đó, cần bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai thêm nội dung (đất khu vực dự trữ khoáng sản) và loại đất này cần có cơ chế pháp lý khác với đất để thăm dò, khai thác khoáng sản, đảm bảo chặt chẽ. Có như vậy mới có thể đưa đất khu vực dự trữ khoáng sản vào phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn dự trữ được khoáng sản.

Đại biểu Mai đề nghị xem xét hình thức cho thuê đất trong giai đoạn thăm dò khoáng sản cho phù hợp, để đảm bảo việc thăm dò được thuận lợi, vì công tác thăm dò mới nằm ở giai đoạn điều tra khảo sát để lập dự án đầu tư, lựa chọn phạm vi, quy mô khai thác, dự án đầu tư chưa được hình thành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn