MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu Đoàn đại biểu cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Hoàn thiện chính sách người có công là việc được quan tâm, đặt lên hàng đầu

PHẠM ĐÔNG LDO | 10/04/2023 21:28

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn xác định việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với sự phát triển của đất nước là công việc được quan tâm, đặt lên hàng đầu.

Ngày 10.4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đoàn ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh.

Theo Văn phòng Quốc hội, phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chủ trương của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về việc thành lập Ban Liên lạc. Đây không chỉ là tổ chức cần thiết cho các thành viên, hội viên mà còn là “cánh tay nối dài” của Đảng và Nhà nước, là một hình thức tập hợp, giáo dục truyền thống cách mạng hết sức ý nghĩa, thiết thực.

Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như công lao đóng góp của người có công.

Đến nay, đã có 9,2 triệu người có công với cách mạng được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng Huân chương, Huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.

Dù vậy, với phương châm không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, "phải cố gắng ở mức cao nhất để giải quyết những trường hợp còn tồn đọng. Đây là việc rất cấp bách, vì nhiều bác tuổi đã cao. Chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa, làm nhiều hơn nữa trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Với 69 đại biểu trong đoàn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mỗi người là một pho lịch sử sống gắn với cuộc kháng chiến cứu nước của cả dân tộc.

Mong các đại biểu “sức còn tới đâu thì đóng góp tới đó” để góp phần cống hiến cho xã hội, cho đất nước, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội luôn xác định việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với sự phát triển của đất nước là công việc được quan tâm, đặt lên hàng đầu.

Trân trọng những kiến nghị nêu ra tại cuộc gặp mặt, trong đó có ý kiến của bà Nguyễn Thị Bé Bảy, 79 tuổi, nạn nhân chất độc da cam đề nghị nghiên cứu biệt dược, phương thức điều trị dành cho nạn nhân chất độc da cam, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ chuyển ý kiến tới các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết.

“Sắp tới, khi Trung ương thảo luận về tổng kết Nghị quyết số 15, chúng tôi cũng sẽ nêu lại vấn đề này để Trung ương xem xét”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Ghi nhận các kiến nghị của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội nhất trí cho rằng, cần tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế góp phần khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin; các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu cách điều trị, chính độ chính sách, nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, dự kiến, tại hội nghị Trung ương 7 Khóa XIII sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15. Bộ Chính trị đã thống nhất sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành nghị quyết mới để tiếp tục tăng cường hơn nữa chính sách về công tác xã hội, trong đó có các chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chính sách với người có công.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề nghị xây dựng Luật Ưu đãi người có công với cách mạng, trước mắt sẽ rà soát để sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Việc này nhằm tôn vinh nhiều trường hợp xứng đáng được công nhận là Mẹ Việt Nam Anh hùng, tôn vinh những trường hợp là Việt kiều tự nguyện về nước tham gia cách mạng, tiếp tục giải quyết hồ sơ tồn đọng.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, với những trường hợp chưa được Nhà nước chứng nhận thì có thể bàn với cấp uỷ, chính quyền địa phương vẫn tôn vinh với hình thức Nhà nước và xã hội cùng thực hiện để bảo đảm chế độ như những trường hợp đã được Nhà nước xác nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn