MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp

PHẠM ĐÔNG LDO | 06/04/2023 16:35

Đề án xác định mục tiêu đảm bảo 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lí khi có đề xuất; giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lí cho doanh nghiệp khi có yêu cầu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 345/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Đề án xác định mục tiêu tổng quát là phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục các vướng mắc, bất cập; tiếp tục đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành; huy động các nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, đề án xác định các mục tiêu cụ thể: hoàn thiện khung pháp lí về hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp; phấn đấu 100% quy định pháp luật về doanh nghiệp, về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được thông tin kịp thời, đầy đủ đến doanh nghiệp; tăng cường tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp.

Vận hành hiệu quả hệ thống mạng lưới tư vấn viên pháp luật; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lí cho doanh nghiệp; đảm bảo 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lí khi có đề xuất; giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lí cho doanh nghiệp khi có yêu cầu.

Thí điểm và nhân rộng ít nhất 2 mô hình hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp hiệu quả trên toàn quốc; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái về hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp của đề án là hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp. Cụ thể, hoàn thiện khung pháp lí về tăng cường hoạt động hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp; rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lí cho doanh nghiệp.

Nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp ở Việt Nam.

Trong đó, Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24.6.2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm huy động được sự tham gia trực tiếp của tổ chức đại diện doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ pháp lí và các chuyên gia độc lập trong các hoạt động hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp.

Hoàn thiện cơ sở pháp lí cho việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lí có tính mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Các bộ, cơ quan ngang bộ theo lĩnh vực quản lí chuyên ngành rà soát các quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường khảo sát, kịp thời đối thoại với doanh nghiệp nhằm xác định đúng và trúng các khó khăn, vướng mắc pháp lí để đề xuất hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn