MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Hoạt động và cống hiến của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thời dựng Đảng

TS LÝ VIỆT QUANG - Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) LDO | 01/02/2018 09:56
Một trong những quyết định quan trọng của Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta (tháng 10.1930) là đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử tên gọi này xuất hiện. Trước đó hơn 1 năm, “Đảng Cộng sản Đông Dương” đã là 1 trong 2 tên gọi của 1 tổ chức cộng sản tiền thân của Đảng ta, thường được biết đến nhiều hơn với tên gọi là Đông Dương Cộng sản Đảng. Sự ra đời và hoạt động của Đông Dương Cộng sản Đảng gắn liền với sự nỗ lực, lòng quả cảm và chí phấn đấu không mệt mỏi của những chiến sĩ cộng sản trung kiên lớp tiền bối, những người con ưu tú của dân tộc ta. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chính là 1 người tiêu biểu trong số đó.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2.2.1908, trong 1 gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thuỵ Anh, nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Khi là học sinh, Nguyễn Đức Cảnh làm quen và gia nhập nhóm Nam Đồng thư xã - một tổ chức của những thanh niên trí thức yêu nước do Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài đứng đầu. Nhờ vậy, Nguyễn Đức Cảnh đã được tiếp xúc và làm quen với các sách báo tiến bộ, đặc biệt là các tác phẩm chan chứa tinh thần yêu nước của các cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, các tài liệu về chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn - một nhà cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc thời cận đại.

Thời gian này, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập (từ tháng 6.1925) đang ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động trong toàn quốc... Tháng 9.1927, Nguyễn Đức Cảnh cùng người bạn là Lý Hồng Nhật - thành viên trong nhóm Nam Đồng thư xã, đã được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) tìm hiểu về tình hình hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sang đến nơi, dù không được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nhưng Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật đã được tham dự lớp huấn luyện lý luận chính trị do các đồng chí trong Tổng bộ Thanh niên như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu tổ chức theo chương trình mà đồng chi Nguyễn Ái Quốc đã soạn thảo. Qua khoá học này, Nguyễn Đức Cảnh có điều kiện để tìm hiểu rõ về “Đường cách mệnh”, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về sự cần thiết tổ chức khối đại đoàn kết toàn dân tộc lấy liên minh công nông làm nòng cốt ....

Ngày 17.6.1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), Hội nghị đại biểu các tổ chức cộng sản ở Bắc Kỳ đã quyết định thành lập 1 chính đảng cộng sản lấy tên là Đông Dương Cộng sản Đảng (Đảng Cộng sản Đông Dương) và thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng. Chính đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu là những người đã được giao soạn thảo các văn kiện này. Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Với những đóng góp tích cực, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử phụ trách công tác vận động công nhân.

Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, Nguyễn Đức Cảnh trở về Hải Phòng thực hiện việc kiện toàn các tổ chức cách mạng. Tháng 8.1929, Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đã chỉ định Tỉnh uỷ lâm thời Hải Phòng gồm các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Hữu Căn và Hoàng Văn Đoài. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, phong trào cách mạng, nhất là phong trào công nhân, nổ ra mạnh mẽ hơn hẳn so với trước. Điển hình là cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Carông, công nhân hãng dầu Pháp - Á ngày 23.9.1929, của công nhân Nhà máy Ximăng ngày 22.10.1929...

Theo sự triệu tập của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, trong 2 ngày 28 và 29.7.1929, Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh ở Bắc Kỳ đã được tổ chức tại 1 cơ sở bí mật là hiệu thuốc lào Thuận Mỹ, số 15, phố Hàng Nón, Hà Nội. Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và bầu Ban Chấp hành lâm thời gồm 7 người do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu. Đại hội cũng quyết định xuất bản Báo Lao động là cơ quan tuyên truyền và Tạp chí Công hội đỏ là cơ quan lý luận của Tổng Công hội do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trực tiếp phụ trách. Ngày 14.8.1929, số Báo Lao động đầu tiên in thạch, mực tím, ra đời. Ít ngày sau đó, tờ Tạp chí Công hội đỏ in thạch, mực đỏ, cũng được xuất bản. Sau khi Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ được thành lập, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Ban Chấp hành Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử một số cán bộ cốt cán đi xây dựng các tổ chức công hội ở Nam Kỳ và Trung Kỳ.

Đầu tháng 12.1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ tại 1 địa điểm bí mật gần Quốc Tử Giám (Hà Nội). Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đề cử đồng chí Trần Văn Lan, thợ nguội Nhà máy sợi Nam Định, làm Hội trưởng.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong cả nước và ảnh hưởng tích cực của Đông Dương Cộng sản Đảng, cuối năm 1929, đầu năm 1930, 2 tổ chức cộng sản là An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn lần lượt được thành lập. Trong 1 nước mà có đến 3 tổ chức cộng sản cùng tồn tại và cạnh tranh nhau phạm vi ảnh hưởng thì nhất định sẽ gây bất lợi cho phong trào cách mạng. Tình hình này đặt ra vấn đề phải khẩn trương tiến hành thống nhất các tổ chức cộng sản lại thành 1 đảng cộng sản duy nhất. Nguyễn Đức Cảnh là 1 trong những người tích cực ủng hộ phương hướng giải quyết này. Từ ngày 6.1 đến 7.2.1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu đã được Đông Dương Cộng sản Đảng cử đi dự Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản tại Cửu Long, gần Hương Cảng, theo sự triệu tập của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tại Hội nghị, Nguyễn Đức Cảnh và các đại biểu đã quyết định thành lập 1 đảng cộng sản thống nhất trong toàn quốc lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như vậy, Nguyễn Đức Cảnh là 1 trong những thành viên tích cực tham gia cuộc vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng và trở thành 1 trong những người sáng lập ra tổ chức cộng sản này. Trên cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng, phụ trách phong trào công nhân, đồng thời phụ trách chung phong trào cách mạng Hải Phòng, đồng chí đã góp phần quan trọng vào sự phát triển vượt bậc của phong trào công nhân nói chung và phong trào cách mạng ở vùng đông bắc nói riêng.

Đồng thời, xuất phát từ sự nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thành lập 1 chính đảng mácxít thống nhất trong toàn quốc, Nguyễn Đức Cảnh là 1 trong những người đã đi đầu ủng hộ và tích cực tham gia công việc hợp nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta. Trên cơ sở đó, đồng chí đã trở thành 1 trong những người sáng lập Đảng ta, một người con ưu tú, trung kiên của Đảng và dân tộc ta.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn