MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học Bác để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường

Linh Anh LDO | 19/05/2020 09:41
Cách đây hơn 50 năm, trong di chúc của mình gửi lại cho toàn thể quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những dòng cuối cùng: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Ngày nay, trong không khí toàn Đảng, toàn dân kỷ niệm 130 Ngày sinh của Bác, ước vọng của Người về một đất nước Việt Nam hùng cường được nhắc đến như là một mục tiêu cần phải đạt tới.
Bác Hồ gặp gỡ đại diện giới công thương tại Phủ Chủ tịch ngày 13.10.1945. Ảnh: tư liệu 

Để Việt Nam “sánh vai các cường quốc năm châu”

Ngay sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bức thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường, trong đó Bác viết: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Khát vọng về một Việt Nam “sánh vai các cường quốc năm châu” được Bác gửi trọn niềm tin vào thể hệ trẻ. Hay nói một cách sâu xa hơn, đó là thông điệp và niềm tin được gửi tới những thế hệ làm chủ vận mệnh đất nước sau này.

Không chỉ đặt niềm tin vào thế hệ mai sau, cũng ngay trong những ngày đầu thành lập nước, Bác cũng đã nhìn thấy một lực lượng mà sau này sẽ trở thành lực lượng tiên phong để đưa đất nước phát triển. Đó là giới công thương mà ngày nay được đặt ở vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế: Các doanh nhân.

Mùa thu năm 1945, Chính  phủ Cách mạng lâm thời mới thành lập, kinh tế kiệt quệ; Ngân quỹ Trung ương chỉ còn vẻn vẹn 1,25 triệu đồng Đông Dương, trong đó có 580.000 đồng rách nát chờ tiêu hủy; Nợ các khoản lên đến 564 triệu đồng. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng”, nhằm thu nhận hiện vật mà nhân dân quyên góp cho Chính phủ. Hưởng ứng lời kêu gọi và niềm tin nơi  Bác, các doanh  nhân, các nhà tư sản dân tộc đã đóng  góp vào “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng” trên 20 triệu đồng Đông Dương và khoảng 370kg vàng, bảo đảm hoạt động cho chính quyền cách mạng những ngày đầu thành lập. Tiêu biểu là Doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ và Trịnh Văn Bô đã đóng góp 5.000 lượng vàng.

Ngày 13.10.1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này…”.

Tư tưởng nhân văn của Hồ Chủ tịch về doanh nghiệp và doanh nhân, về mục tiêu phát triển nền kinh tế đất nước đã tạo được lòng tin như một lời hiệu triệu để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, tạo làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích các thành phần kinh tế ở Việt Nam có kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế cá nhân của nông dân, kinh tế tư bản của tư nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ:

“1 - Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên, chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị.

Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên, Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân.

2 - Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác, tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú trọng chính sách công nông giúp nhau và lưu thông bên trong ngoài (tức phát triển thị trường trong nước và hợp tác, buôn bán với nước ngoài). Khi miền Bắc được giải phóng bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích mọi người, mọi gia đình làm giàu. 

Khát vọng về doanh nghiệp Việt lọt Top 500 toàn cầu

Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, trong nền kinh tế mở, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng được thể hiện trong phát triển kinh tế và tham gia các Hiệp định thương mại quốc tế. Trong đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách để doanh nghiệp và doanh nhân phát triển, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chính phủ cần giúp họ phát triển”.

Cuối năm 2019, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất để phát triển kinh tế vì doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu, động lực cạnh tranh, sáng tạo mạnh mẽ nhất và là lực lượng tiên phong đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống.

Thủ tướng nói: “Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn nếu thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng, không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu cá nhân xuất sắc”.

“Đóng góp vào thành quả kinh tế xã hội năm 2019 cũng như hơn 3 thập niên đổi mới có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Tôi thay mặt Chính phủ trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn, nhiều mặt, có phần thầm lặng của doanh nghiệp chân chính đối với sự phát triển của đất nước”.

Gần đây, tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp cả nước sáng 9.5.2020,  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục mong muốn doanh nghiệp Việt sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, để đến 2045 sẽ có tên công ty Việt Nam vào top 500 doanh nghiệp lớn của thế giới.

Thủ tướng đã có những đề nghị rất cụ thể với cộng đồng doanh nhân khi nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 tác động lên mọi mặt đời sống, xã hội, đặc biệt là đe doạ sự tăng trưởng của kinh tế: “Trước hết phải là yêu Tổ quốc, vì không yêu Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc thì phải thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ. Thứ hai là không lãng phí. Rồi phải năng động quyết đoán, vì nếu thụ động là tự đánh mất cơ hội. Cùng với đó phải sáng tạo, để không bị tụt lại. Ngoài ra, cần có niềm tin, để không tự mình chối bỏ mình”.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc đến việc dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề cập đến những mục tiêu, định hướng lớn. Đó là xác định Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại và khẳng định những khó khăn của đại dịch Covid-19 sẽ không làm thay đổi tầm nhìn, định hướng, mục tiêu này. “Vậy doanh nghiệp tầm nhìn thế nào? Doanh nghiệp chúng ta sẽ ở đâu vào năm 2045?”, Thủ tướng nêu câu hỏi.

 “Hiện trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới vẫn chưa có tên doanh nghiệp Việt. Liệu đến năm 2045 chúng ta có được doanh nghiệp nào lọt vào top 500 không? Liệu sẽ xuất hiện các đế chế kinh doanh lớn “made in Vietnam” không?

Thủ tướng nhắc lại rằng, 20 - 25 năm trước, thế giới chưa biết đến Alibaba, Google… nên doanh nghiệp nội không lý do gì để không đặt mục tiêu, khát vọng.

Năm 2045 là năm Việt Nam sẽ kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đó là thời điểm Việt Nam phải giàu mạnh và “sánh vai cường quốc năm châu” với sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp, những tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam.

Đó chính là hiện thực hoá tầm nhìn xuyên thế kỷ, hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn