MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
6 thí sinh đội tuyển quốc gia Việt Nam đều giành huy chương tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế 2017. Ảnh: Bộ GĐĐT

Học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic đã đi đâu, làm gì?

Đặng Chung LDO | 28/07/2017 17:31
Hơn 40 năm qua, rất nhiều học sinh Việt Nam đã tham gia và đoạt hàng trăm huy chương vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế về Toán và Khoa học. Thành tích trong các kỳ thi rất cao, nhưng tại sao chúng ta vẫn ít thành tựu khoa học? Nếu không có chiến lược dài hạn về đào tạo và sử dụng nhân tài, chúng ta sẽ lại… để “vàng rơi” hoặc lặp lại quy trình “Thi tại Việt Nam, học ở Mỹ và cống hiến cho nước ngoài”.

"Vàng" Olympic "nhấp nhổm" ra nước ngoài

Những ngày qua, người dân cả nước chung vui với đội tuyển Olympic Toán học, Vật lý và Hóa học của Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, 100% thí sinh tham gia đều đoạt huy chương. Đặc biệt, năm nay chúng ta “bội thu” vàng. Bằng tài năng của mình, các em đã tạo nên kỳ tích.

Trong đó, Hoàng Hữu Quốc Huy (học sinh lớp 12 chuyên Toán 1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa-Vũng Tàu, 35 điểm) là thí sinh đạt điểm cao nhất kỳ thi Olympic Toán Quốc tế 2017. Nguyễn Thế Quỳnh (học sinh lớp 12 Lý, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình) xác lập kỷ lục với danh hiệu “cú đúp” Huy chương Vàng Vật lý quốc tế tại hai mùa Olympic liên tiếp. Những học sinh khác cũng nỗ lực giành vàng, giúp khẳng định vị thế của Việt Nam.

Nhưng đằng sau những tấm huy chương ấy lại là câu chuyện khiến nhiều người suy ngẫm. Điểm lại, trong số thí sinh đoạt huy chương vàng Olympic từ trước đến nay, có TS Hoàng Lê Minh - HCV năm 1974; TS Lê Bá Khánh Trình, đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối và giải đặc biệt tại Olympic Toán học 1979 và một số thí sinh khác hiện làm việc tại Việt Nam, còn lại đa số đang sống và làm việc tại nước ngoài.

Năm nay, 15 thí sinh đoạt giải tại Olympic đăng ký nhập học vào Trường Đại học Bách Khoa và Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, các em đều chia sẻ ước mơ được ra nước ngoài du học và đang nỗ lực trau dồi vốn tiếng Anh của mình.

Các năm trước đó, thí sinh đoạt huy chương vàng cũng chọn cách “săn” học bổng đi du học và thường không chọn cách trở về. Họ trở thành những GS, nhà khoa học uy tín trên thế giới. Chúng ta đã “cầm vàng”… “lại để vàng rơi”.

Làm gì để giữ chân người tài?

Làm thế nào để giữ chân nhân tài? Để những tài năng ấy không chỉ dừng ở việc tạo ra thành tích, mà là những thành tựu khoa học cho Việt Nam, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho cuộc cách mạng 4.0 mà chúng ta đang hướng đến? Trả lời câu hỏi này, Giáo sư - Viện sĩ Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - cho rằng, hiện nay chúng ta chưa có chủ trương, đường hướng nào cụ thể, toàn diện để đào tạo và sử dụng nhân tài. Vì lẽ đó đã dẫn đến tình trạng lãng phí tài năng.

Giáo sư cũng cho rằng, những em giành được huy chương mới chỉ học xong lớp 12, có em còn đang học lớp 11, việc giành giải thưởng cao sẽ là động lực để phấn đấu hơn nữa. Nhưng để trở thành các chuyên gia, nhà khoa học, có đóng góp vào sự phát triển của đất nước, còn là một chặng đường dài phía trước và nhà quản lý cần có chiến lược đầu tư, định hướng cụ thể.

“Tôi thấy Bộ GDĐT phải thực hiện thống kê này, xem những học sinh đã đạt được thành tích cao trong các kỳ thi Olympic đã đi đâu, làm gì, thành tựu ra sao, từ đó đưa ra những chiến lược đầu tư dài hạn” - Giáo sư - Viện sĩ Phạm Minh Hạc nói thêm.

PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa. Ảnh: HN

Còn theo PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành giáo dục của chúng ta không nên chỉ bằng lòng với những thành tích đã có, mà cần có chính sách, xây dựng những đề án để đầu tư dài hạn cho các thí sinh đoạt giải cao trong kỳ thi quốc tế, tạo điều kiện hết sức để các em cống hiến, tạo ra thành tựu khoa học cho đất nước.  

“Tôi biết nhiều trường của nước ngoài đã vào các trường của Việt Nam để tìm kiếm người giỏi, đưa về nước họ đào tạo và có đãi ngộ giữ chân những người tài này. Cũng không thể trách những tài năng của chúng ta đi du học và định cư ở nước ngoài. Đó là lựa chọn của họ. Hơn nữa, giờ là thế giới phẳng, ở đâu cũng có thể cống hiến được cho đất nước. Nhưng để nhiều người giỏi ra nước ngoài du học và làm việc đúng là sự lãng phí. Tôi nghĩ để giải được bài toán này, cần sự chung tay của cả xã hội.

Đầu tiên, các trường đại học trong nước cần có chính sách sẵn sàng đón nhận thí sinh đoạt giải Olympic với mọi điều kiện tốt nhất. Với trường Đại học Bách Khoa, chúng tôi sẵn sàng trao học bổng tài năng cho các em. Ngoài ra, rất cần sự ủng hộ của các bộ, ngành liên quan. Chỉ khi nào chúng ta tạo ra môi trường giáo dục và làm việc tốt nhất, để những tài năng này có điều kiện nghiên cứu, phát huy hết thế mạnh của mình, chừng đó mới ngăn được tình trạng chảy máu chất xám” - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn