MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị AMAF 40 tại Hà Nội. Ảnh: Kh.L

Hội nghị AMAF lần thứ 40: Sẽ xem xét và thông qua 23 Kế hoạch hành động, hợp tác

Kh.V LDO | 11/10/2018 13:44
Sáng 11.10, tại Hà Nội, Việt Nam chủ trì, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40 với trọng trách Chủ tịch nhiệm kỳ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và phát biểu khai mạc hội nghị.

Hội nghị AMAF lần thứ 40 diễn ra tại Việt Nam lần này có ý nghĩa quan trọng vì đây là lần thứ ba Việt Nam giữ chức Chủ tịch AMAF, Chủ tịch AMAF+3 (3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 18 (từ tháng 10.2018 đến tháng 10.2019).

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đã 2 lần nhận chức Chủ tịch AMAF và đăng cai tổ chức Hội nghị AMAF tại Việt Nam vào các năm 1998 và 2008.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Kh.L 

Với vai trò là Chủ tịch AMAF lần thứ 40 và Chủ tịch AMAF+3 lần thứ 18, trong nhiệm kỳ này, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Ban Thư ký ASEAN để điều phối toàn bộ các hoạt động hợp tác của AMAF (hoạt động của 53 Nhóm công tác và hợp tác của AMAF với hơn 20 đối tác chiến lược của ASEAN.

Dự kiến, Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN lần thứ 40 sẽ thông qua các chiến lược, chính sách và hướng dẫn trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp của khu vực, đề xuất các sáng kiến hợp tác với các nước đối tác và tổ chức quốc tế nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN đến năm 2025 và Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.

Theo chương trình nghị sự, tại Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN lần thứ 40, các Bộ trưởng dự kiến sẽ xem xét và thông qua 23 Kế hoạch hành động, hợp tác và các văn kiện, tài liệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. 

 

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, các quốc gia Đông Nam Á có điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm trong khu vực. Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ đang tạo ra các rào cản cho sự phát triển chung, đòi hỏi các nước thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới nền nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu kết hợp đổi mới khoa học công nghệ gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và bao trùm. 

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định tinh thần chủ đạo của năm ASEAN 2018 là hướng tới một Cộng đồng “Tự cường và Sáng tạo” vì lợi ích của người dân trong khu vực.

“Là thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam rất coi trọng các tiến trình hợp tác khu vực và sẽ tiếp tục đầu tư thích đáng về nguồn lực, nghiên cứu và đề xuất các sáng kiến khả thi, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, vì lợi ích thiết thực của người dân ASEAN” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Với thị trường có quy mô hơn 650 triệu dân và tổng GDP hàng năm hơn 2.600 tỉ USD, tham gia ASEAN đã giúp Việt Nam tăng thêm khối lượng trao đổi thương mại với các nước trong khu vực. Trong đó, thương mại nông sản giữ một vị trí quan trọng với gạo, thủy sản, rau quả... là những nhóm hàng chính Việt Nam xuất sang thị trường này, với trị giá chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN. Kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản xuất khẩu sang khu vực ASEAN năm 2017 đạt 5,73 tỉ USD (trong đó xuất khẩu là 2,35 tỉ USD và nhập khẩu là 3,38 tỉ USD).

Phó Thủ tướng nhận định nông nghiệp đóng vai trò cốt lõi ảnh hưởng tới sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội của từng quốc gia thành viên và các đối tác trong khu vực. Hầu hết các quốc gia ASEAN, nông nghiệp được coi là bệ đỡ của nền kinh tế giúp các nước vượt qua nhiều biến động và khủng hoảng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững. Vì vậy, hợp tác nông lâm nghiệp vẫn luôn là nội dung then chốt của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn