MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hội nghị Bộ trưởng ITU: Chung tay xây dựng thế giới số

Long Nguyễn - Phùng Minh LDO | 21/10/2020 17:23

Trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2020, diễn ra từ 20-22.10, Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên ITU (Ministerial Roundtables) thông qua hình thức trực tuyến vừa được tổ chức tối qua.

Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên ITU diễn ra ngay sau phiên khai mạc Hội nghị và triển lãm Thế giới số 2020 (ITU Digital World).

Đây là lần đầu tiên, hội nghị Bộ trưởng ITU diễn ra trên nền tảng trực tuyến do Việt Nam phát triển. Hội nghị đã kết nối được các Bộ trưởng, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trên khắp toàn cầu trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng ở nhiều quốc gia.

Hội nghị Bộ trưởng các nước ITU 2020 tập trung thảo luận về vai trò của công nghệ thông tin, truyền thông trong ứng phó với đại dịch, hoạch định chiến lược số trong và sau COVID-19 và định hướng cho quan hệ hợp tác giữa ITU với các quốc gia thành viên trong triển khai các chương trình chuyển đổi số.

"Chúng ta sẽ đi cùng nhau, vì chúng ta muốn đi xa”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự và phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng ITU.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi lời cảm ơn ITU vì hỗ trợ Việt Nam tổ chức Triển lãm Thế giới số theo hình thức trực tuyến. Đồng thời, khẳng định vai trò dẫn dắt của ITU để vượt qua được những thách thức của nhân loại trong hành trình dịch chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, nhờ nỗ lực của Chính phủ và toàn dân, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam và ngành ICT đóng vai trò quan trọng trong kết quả này. Nhiều ứng dụng và nền tảng số được triển khai để đối phó với đại dịch và thay đổi cuộc sống của chúng ta trong trạng thái bình thường mới.

Theo Bộ trưởng, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm xây dựng một Việt Nam số, tiến tới đổi mới sáng tạo hơn, có sức chống chịu tốt hơn và bền vững hơn. Cải cách thể chế, an ninh mạng, và các nền tảng số sẽ là các yếu tố chủ đạo giúp thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định Việt Nam cam kết hỗ trợ và đồng hành cùng ITU và các nước thành viên trong công cuộc xây dựng một thế giới số. "Chúng ta sẽ đi cùng nhau, vì chúng ta muốn đi xa” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Cũng tại Hội nghị lần này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chuyển đổi số dần trở thành một xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức và từng cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có. Đi liền với đó là những thách thức và yêu cầu phải tự điều chỉnh".

Phó Thủ tướng cũng cho rằng chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy, nội dung và nội hàm chính sách ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Việt Nam xác định cần chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa nhằm phục vụ con người, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để chung tay phát triển công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số vì một thế giới hòa bình, hợp tác và thịnh vượng mà trực tiếp hiện nay là chiến thắng đại dịch COVID-19, Hội nghị Bộ trưởng ITU nên thảo luận để hoạch định một chiến lược số trong và sau đại dịch, trong đó có những định hướng cho quan hệ hợp tác giữa ITU với các quốc gia thành viên.

Hội nghị Bộ trưởng ITU thu hút nhiều đại biểu trên toàn thế giới tham dự.

Trong phiên thảo luận, các bộ trưởng và đại diện ITU đã đánh giá cao những nỗ lực và thành công của Việt Nam trong vai trò nước chủ nhà, lần đầu tiên chủ trì tổ chức một sự kiện quy mô quốc tế theo hình thức trực tuyến.

Tăng tiếp cận của người dân với công nghệ

Các lãnh đạo ngành công nghệ thông tin - truyền thông toàn cầu đã thảo luận về những thay đổi chính sách do hệ quả của COVID-19 để tăng sự tiếp cận của người dân với công nghệ thông tin thông qua việc giảm giá thành và chi phí dịch vụ.

Hội nghị Bộ trưởng ITU diễn ra qua hình thức trực tuyến.

Đại diện Maldives cho hay, trong giai đoạn dịch bệnh, các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp đã phối hợp với nhau giúp người dân không bị gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội nhờ nền tảng công nghệ.

Internet trở thành công cụ hiệu quả nhất đảm bảo rằng dù người dân bị giãn cách xã hội nhưng vẫn gần gũi trên không gian số.Nhiều đảo nhỏ được kết nối bằng mạng 4G, trong thời gian giãn cách xã hội, tất cả người dùng được tiếp cận với các gói dữ liệu miễn phí hoặc giảm giá.

Trong khi đó, đại diện từ Campuchia nhận định, dịch COVID-19 đã cho quốc gia này cơ hội thúc đẩy công nghệ thông tin nhiều hơn, số hóa các hoạt động sản xuất, dịch vụ và hoạt động thương mại, đồng thời duy trì sự chống chịu bền vững của nền kinh tế - xã hội. Sự gia tăng của những hoạt động trực tuyến khiến chúng ta phải điều chỉnh song song với ứng phó dịch bệnh.

Campuchia là một trong những quốc gia có giá cước Internet thấp nhất và quốc gia này mong muốn hài hòa các hoạt động đầu tư, thúc đẩy 5G, băng thông rộng và ứng dụng công nghệ thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn