MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hội nghị tiếp xúc cử tri trong việc vận động bầu cử được tiến hành ra sao?

PHẠM ĐÔNG LDO | 05/05/2021 16:16
Việc tiếp xúc cử tri trong quá trình vận động bầu cử là nhằm tạo điều kiện để cử tri hiểu rõ hơn về người ứng cử để từ đó cân nhắc, lựa chọn bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND).

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo Điều 64, Luật Bầu cử đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) quy định: “Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ”. Như vậy, những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ có hơn 3 tuần vận động bầu cử.

Bên cạnh đó, theo Điều 65 và Điều 66, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, quy định hai hình thức vận động bầu cử cho người ứng cử đó là gặp gỡ trực tiếp cử tri và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, việc gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với cử tri được đánh giá là việc làm cần thiết nhất khi tại các hội nghị tiếp xúc cử tri những ứng viên có thể nhận được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của các cử tri tại địa phương.

Tổ bầu cử hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri. Ảnh: TG

Theo luật sư Bình, tại Điều 66 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định về cách thức tổ chức vận động bầu cử với cử tri nơi ứng cử. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ) cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh.

Danh sách niêm yêt danh sách cử tri đi bầu cử được đặt công khai tại nhà văn hóa Yên Hòa (Cầu Giấy).

Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương. Ban thường trực UBMTTQ cấp huyện, cấp xã phối hợp với UBND cấp xã tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu HĐND cấp mình. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương. UBND nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để cử tri tham dự đông đủ.

Trong hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử có đại diện ban thường trực UBMTTQ cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử. Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.

Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, ban thường trực UBMTTQ cấp tỉnh lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử ĐBQH gửi đến Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ban thường trực UBMTTQ các cấp lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu HĐND ở địa phương mình gửi đến ủy ban bầu cử cùng cấp và ban thường trực UBMTTQ cấp trên trực tiếp.

Đánh giá về vấn đề này, luật sư Bình cho rằng người ứng cử phải thể hiện mình là người thực sự chân thành, luôn cầu thị, sẵn sàng trao đổi ý kiến, học hỏi cử tri. Người ứng cử phải thể hiện ngay tiêu chuẩn đầu tiên của đại biểu dân cử là trung thành và trung thực. Chỉ nên hứa hẹn những điều thiết thực, có đủ điều kiện thực thi. Không nên hứa những việc “xa tầm với”, không khả thi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn