MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Hôm nay, Quốc hội thảo luận Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi

PHẠM ĐÔNG LDO | 10/11/2022 06:00
Trong phiên làm việc hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, sáng 10.11, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đồng thời thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trước đó, thảo luận tại tổ, một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch mua bán trên sàn thương mại điện tử, mua bán qua mạng cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định đảm bảo nguồn lực cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việt Nam là một trong những nước có sự phát triển về giao dịch thương mại điện tử đứng hàng đầu thế giới. Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) chia sẻ, thời gian qua, không ít chuyện bi hài xảy ra do người tiêu dùng đặt hàng mua sản phẩm, mua hàng hóa, dịch vụ qua các sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, đây là vấn đề Luật hiện hành chưa có quy định nên phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Đoàn Hải Phòng) cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nội hàm rộng được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật, từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành như Luật An toàn thực phẩm, Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa….

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định người tiêu dùng, đối tượng vị trí yếu thế trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Trong khi đó, đối tượng tổ chức bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức không kinh doanh hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận về cơ bản đã có đầy đủ chức năng, năng lực để tự khắc phục vị trí, yếu thế của mình như có cơ cấu tổ chức, nguồn lực, tư vấn về pháp lý để giải quyết những vấn đề xảy ra tranh chấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn