MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hạ tầng đô thị của Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Hải Nguyễn

Hôm nay trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

PHẠM ĐÔNG LDO | 10/11/2023 06:08

Trong phiên làm việc hôm nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tiếp tục kỳ họp thứ 6, sáng 10.11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết này.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên hành lang Quốc hội ngày 9.11, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, việc trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng.

Bởi Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt. Hai đô thị này đang quyết định 45% tổng thu ngân sách của của cả nước. Quan trọng hơn, Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là bộ mặt của quốc gia, là cửa ngõ giao lưu và hội nhập quốc tế, nhất là Thủ đô Hà Nội.

Theo đại biểu, trong quá trình tổ chức vận hành thời gian qua đã gặp nhiều vướng mắc về thể chế. Do đó, cần phải tiếp tục phân cấp và phân cấp mạnh mẽ hơn cho Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, qua quá trình triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Hoàng Ngân nhìn nhận có nhiều nội dung mà một đô thị đặc biệt cần phải được áp dụng.

Đặc biệt, những nội dung này đã được cập nhật vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như vấn đề về phát triển đô thị gắn với giao thông hay phân cấp trong điều chỉnh quy hoạch, tổ chức bộ máy.

Còn đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH Bắc Giang) mong muốn sửa đổi Luật Thủ đô cũng là dịp để đánh giá căn cơ, toàn diện quá trình hơn 10 năm thực hiện, chỉ rõ những hạn chế và đề ra các giải pháp khắc phục đầy đủ, toàn diện và đặc biệt là phải hiệu quả và khả thi.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng mong muốn sự phát triển của Thủ đô sẽ tạo ra động lực lan tỏa cho khu vực và cho cả nước.

Quy hoạch Thủ đô phải tạo ra sự kết nối liên thông, để Thủ đô có thể chia sẻ cho các địa phương nhiều nguồn lực phát triển và nhận lại về sự chia sẻ, đóng góp. Chẳng hạn như việc di dời một số nhà máy, xí nghiệp, các bệnh viện lớn, trường đại học... ra các địa bàn xung quanh để giảm tải cho Thủ đô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn