MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hơn 1 năm, thiệt hại về kinh tế do thiên tai khoảng trên 5.000 tỉ đồng

PHẠM ĐÔNG LDO | 22/03/2023 17:10

Từ ngày 1.1.2022 đến 28.2.2023, thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính khoảng 5.065 tỉ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Ngày 22.3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đến thăm và làm việc với Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia.

Theo Cổng thông tin Chính phủ, thống kê từ ngày 1.1.2022 đến 28.2.2023, trong nước, thiên tai, sự cố xảy ra 7.942 vụ; làm chết 1.339 người, mất tích 200 người, bị thương 513 người.

Thiên tai, sự cố làm chìm, cháy, hỏng 840 phương tiện; cháy 1.428 nhà xưởng, 761,72 ha rừng và thảm thực vật; sập, hư hỏng 7.638 nhà, hư hại 190.857 ha lúa và hoa màu, làm chết 91.205 gia súc, gia cầm.

Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính khoảng 5.065 tỉ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Về ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tính từ ngày 1.1.2022 đến hết ngày 20.3.2023, các bộ, ngành, địa phương đã điều động 238.653 lượt người, 21.899 lượt phương tiện ứng phó, xử lý hiệu quả 5.507 vụ, cứu được 5.475 người và 353 phương tiện.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng năm 2023 và những năm tiếp theo, công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẽ khó khăn, nặng nề hơn bởi tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp với quy mô lớn hơn và nhanh hơn dự báo. Kinh tế-xã hội phát triển hơn đi kèm với sự gia tăng các sự cố; và ảnh hưởng của biến động chính trị khó đoán định trong khu vực.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó có việc triển khai hiệu quả kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo diễn ra ngày 10.3.2023.

Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống thiên tai, sự cố bởi mỗi người dân có ý thức hơn thì sự cố chắc chắn sẽ ít xảy ra hơn và nếu có sự cố thì việc phối hợp xử lý cũng thuận lợi hơn.

Phó Thủ tướng gợi ý cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa, trong đó có khối doanh nghiệp cho công tác ứng phó với sự cố, thiên tai, thảm họa.

Do tính cấp bách, hậu quả lớn và khôn lường của các sự cố, thảm họa, Phó Thủ tướng nhất trí với đề xuất cần xác lập cơ chế điều hành thống nhất của các Ban Chỉ đạo. Các lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp cần có trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phù hợp.

Phó Thủ tướng lưu ý do nguồn lực có hạn, công tác diễn tập phải thực chất, tránh hình thức, dẫn đến tốn kém mà không hiệu quả; chủ động làm tốt công tác dự báo, chú ý những yếu tố về an ninh phi truyền thống như dịch bệnh…

Đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tính sẵn sàng trong công tác cứu hộ, cựu nạn, ứng phó sự cố, thiên tai; tăng cường trao đổi, hợp tác với các nước để đúc rút ra những bài học kinh nghiệm phù hợp với thực tiễn đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn