MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn thảo luận về dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, sáng 17.11 trên Hội trường. Ảnh: Quốc hội

Hơn 60% ĐBQH thấy chưa cần có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở

Vương Hà Chung LDO | 17/11/2020 17:13

Đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cho ý kiến rằng chưa cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Chiều 17.11, Quốc hội xin ý kiến đại biểu 3 vấn đề liên quan đến dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Cụ thể, về sự cần thiết ban hành luật này, có 290 ĐBQH (chiếm 73,69% số đại biểu tham gia và chiếm 60,29% tổng số ĐBQH) cho rằng chưa cần thiết. Trong khi đó chỉ có 96 ĐBQH cho rằng cần thiết ban hành luật.

206/393 ĐBQH (52,42% số đại biểu tham gia ý kiến và chiếm 42,83% tổng số ĐBQH) cũng đồng ý trên cơ sở ý kiến thẩm tra và thảo luận của ĐBQH tại kỳ họp thứ 10, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật.

Trước khi lấy ý kiến, trong các phiên thảo luận, nhiều ĐBQH đã thể hiện nhiều băn khoăn với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, trong đó nổi bật là lo ngại phình bộ máy, cũng như tăng kinh phí.

Cụ thể trong phiên thảo luận trước Quốc hội về dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) cho biết, theo hồ sơ dự án luật thì nếu được thông qua, lực lượng tham gia bảo vệ trị an ở cơ sở sẽ có 1,5 triệu người hưởng ngân sách thường xuyên, giảm 500.000 người so với hiện nay, con số này chưa thực sự thuyết phục.

Ông Bộ nêu dẫn chứng, theo Pháp lệnh Công an xã thì hiện nay có 126.000 công an xã bán chuyên trách, còn theo Nghị định 38 năm 2006 về việc bảo vệ dân phố thì tổ bảo vệ dân phố chỉ có ở phường, thị trấn với số lượng là 70.000 người. Theo Luật Phòng cháy, chữa cháy, do không chịu được chi phí về ngân sách nên hiện nay chỉ có 23% cơ sở thành lập lực lượng này với con số thực tế là 500.000 người.

Như vậy, thực tế 3 lực lượng trên hiện nay có tổng số là 696.000 người. Trong khi đó, chỉ có 2 lực lượng công an xã bán chuyên trách và tổ bảo vệ dân phố là hưởng ngân sách thường xuyên với tổng số 196.000 người, còn dân phòng chỉ được hưởng khi thực sự làm việc và bồi dưỡng về nghiệp vụ.

"Nếu thành lập lực lượng này thì sẽ tăng thêm 804.000 người hưởng ngân sách hàng tháng chứ không phải giảm 500.000 người như dự thảo luật nêu", đại biểu Bộ cho biết.

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn về một vấn đề khác trong dự luật đó là, ngân sách bố trí cho lực lượng này theo dự thảo Luật là 1,5 - 1,8 tỉ đồng/thángđịa phương thì may ra chỉ có những địa phương như TPHCM, Hà Nội chứ các địa phương ngân sách khó khăn e rằng khó đáp ứng nổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn