MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh phiên họp thứ 7 của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh PV

Hơn 800 vụ bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em trong 8 tháng đầu năm

L.HOA LDO | 30/09/2017 14:00

Ngày 30.9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, những vấn đề nóng liên quan đến bình đẳng giới đã được các đại biểu đưa ra.

Theo Dự thảo Báo cáo của Chính phủ, số liệu tổng hợp của 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình bạo lực gia đình năm 2016 có 14.790 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, tổng số nạn nhân là 13.524 người, tổng số người gây bạo lực là 14.177 người.

Tổng nạn nhân đến cơ sở hỗ trợ tư vấn về pháp lý, sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc là 18.104 người và số người gây bạo lực gia đình được tư vấn là 7.058 người (đạt tỉ lệ 49,7%).

Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm 2017, có 832 vụ bạo lực và xam hại tình dục, trong đó có 116 em bị bạo lực và 716 em bị xâm hại tình dục. Tỉ lệ trẻ em nữ là nạn nhân vụ bạo lực và xâm hại tình dục chiếm 92%. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện trên toàn quốc đã xét xử 1.880 vụ xâm hại trẻ em với 1.976 bị cáo.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ngoài phạm vi gia đình đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội, song đây là vấn đề nhạu cảm, nhiều chị em vì các lý do khác nhau đã cam chịu, không tô cáo nhất là người gây bạo lực là người thân. Tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc hay xâm hại tình dục đối với trẻ em gái có chiều hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp hơn.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm tăng cường giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để tăng cường bảo vệ trẻ em, hình thành đường dây Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trong tháng 9 vừa qua.

Từ thực tế này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cần chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ hoạt động truy tố, xét xử đối với tội phạm bạo lực với phụ nữ, trẻ em, nhất là những vụ án nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận và những vụ án tồn đọng kéo dài.

Bên cạnh đó, các đại biểu kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật; tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn