MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều bảo tàng, di tích lịch sử Hà Nội trở thành nơi giao lưu văn hóa, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: Thu Giang

Hướng về 70 năm giải phóng Thủ đô - Hà Nội vươn thế rồng bay

LAN NHI LDO | 11/02/2024 06:30

Với nguồn tài nguyên độc đáo, những năm qua, Hà Nội đang từng bước phát huy sức mạnh tổng hợp nguồn lực, khẳng định vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa của cả nước. Từ giải phóng Thủ đô năm 1954, đến nay tròn 70 năm, Hà Nội giờ đây đã chuyển mình mạnh mẽ, mang một khát vọng “rồng bay” từ nền tảng văn hiến ngàn đời.

Hà Nội - nơi hội tụ tinh hoa

Nhìn vào số liệu thống kê qua từng năm cho thấy, Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa, động lực phát triển chính của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số cả nước, Hà Nội dự kiến GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2023 ước tăng 6,27% và đặt mục tiêu năm 2024 GRDP tăng 6,5-7%, GRDP/người đạt 160 - 162 triệu đồng.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu trên toàn địa bàn TP Hà Nội sẽ đạt 17,3 tỉ USD, tăng 1% (năm 2022 tăng 10,3%), kim ngạch nhập khẩu đạt 44,17 tỉ USD, tăng 8% (năm 2022 tăng 11,6%). Trong 11 tháng năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký vào Hà Nội đã đạt gần 2,7 tỉ USD, tăng 77,1% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp đăng ký thành lập duy trì luôn tăng, đến tháng 12.2023, Hà Nội có 29.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 291.300 tỉ đồng, tăng 5% về số doanh nghiệp.

Nhằm giữ vững vai trò là động lực phát triển chính của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, TP Hà Nội cũng đề ra một số nhiệm vụ trong tháng cuối năm 2023 như tăng tốc giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công, tập trung đảm bảo chất lượng, tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá, giá trị lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế chung của cả nước.

TP Hà Nội tích cực thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích văn hóa, lịch sử, bổ sung các không gian văn hóa mới như phố đi bộ, phố bích họa, phố sách... Dự kiến hết năm 2023, Hà Nội hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 1.005 công trình (382 dự án cấp thành phố, 623 dự án cấp huyện).

Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS-TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân - khẳng định, qua các thời kỳ, Thủ đô Hà Nội luôn là nơi hội tụ tinh hoa, là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa, có vị thế quan trọng trong quan hệ quốc tế.

GS-TS Hoàng Văn Cường cũng đưa ra 5 quan điểm chung phát triển Thủ đô như phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm; tạo dựng hình ảnh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế; nhân tố con người sẽ được phát huy, lấy vai trò làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của phát triển; các giá trị văn hoá, lịch sử được tôn trọng, giữ gìn, tôn tạo, khai thác và phát huy hiệu quả, trở thành nguồn lực phát triển bền vững, được phát triển ngang tầm với kinh tế...

Trong đó, 6 trụ cột phát triển Thủ đô được định hướng gồm thành phố toàn cầu, văn hiến, văn minh, hiện đại; thể chế và năng lực quản trị, văn hoá và di sản; đô thị xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng giao thông vận tải hiện đại; xã hội số đô thị thông minh và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Hiện thực hóa khát vọng “rồng bay”

Hà Nội không chỉ là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế.

Những năm qua, Thủ đô đã và đang phát triển theo hướng đa hệ, bản sắc, văn minh và hiện đại. Theo đó, không gian đô thị ngày càng được mở rộng theo quy hoạch, với nhiều khu đô thị mới khang trang, hiện đại, mở rộng ra 4 hướng của Thủ đô.

Tại Hội nghị Biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” hồi tháng 10.2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hà Nội là “trái tim” của cả nước, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế, được thế giới biết đến là Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến, hào hoa, thanh lịch.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, những tháng cuối năm 2023 là giai đoạn cao điểm để cả nước và Hà Nội nỗ lực phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao, sáng tạo là động lực then chốt để xây dựng và phát triển, phát triển văn hóa, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh lan tỏa văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới...

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - thông tin, thành phố đang đồng thời xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (Quyết định 1259/QĐ-TTg của Chính phủ). Bằng nguồn xã hội hóa, TP Hà Nội đã chi 3 triệu USD mua ý tưởng phát triển Thủ đô của đơn vị tư vấn nước ngoài, lấy ý kiến, tham vấn các nhân sĩ, trí thức trong nước, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, kết hợp ý tưởng của chuyên gia nước ngoài để xây dựng, hoàn thiện đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030.

Theo kết quả nghiên cứu bước đầu, các đơn vị đã đưa ra 6 ý tưởng đột phá giúp Hà Nội có thể đạt được mục tiêu trở thành Thủ đô kết nối toàn cầu, phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa và xã hội vào năm 2045 như văn hóa và di sản, đô thị xanh và bền vững, sức hút đầu tư, kinh tế số - xã hội số, hạ tầng giao thông vận tải hiện đại, môi trường đáng sống.

Gần 4 năm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng thông tin, việc Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo đã giúp Thủ đô xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo, định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế.

Hà Nội đang tích cực hiện thực hóa các sáng kiến, hành động, cam kết phát triển thành phố sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô bền vững, tạo mọi điều kiện nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn