MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn của đại biểu vào sáng 10.11. Ảnh: Quốc hội

“Hy vọng năm 2023, COVID-19 thành bệnh tương tự cúm mùa”

Nhóm PV LDO | 10/11/2021 12:41
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc dự báo diễn biến dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã dẫn cảnh báo và nhận định của WHO, là hy vọng đến năm 2023, COVID-19 trở thành bệnh tương tự như cúm mùa.

Công tác dự báo dịch bệnh còn nhiều tồn tại

Chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sáng 9.11, đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) đặt vấn đề về công tác dự báo diễn biến dịch thời gian qua. Bộ Y tế dự báo diễn biến dịch từ nay tới năm 2022 sẽ như thế nào?” - ông Đức hỏi.

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, vấn đề dự báo COVID-19 rất khó khăn. Đến nay, hầu hết các nước trên thế giới chưa có dự báo mang tính dài hạn.

Theo bộ trưởng, hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ cảnh báo dịch bệnh không thể kết thúc trong năm 2022, mà hy vọng đến năm 2023, COVID-19 trở thành bệnh tương tự như cúm mùa. Một số nước đưa ra dự báo ngắn hạn, bởi đại dịch lần này liên tục có biến chủng.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong báo cáo gửi Trung ương, bộ đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong dự báo tình hình ở các địa phương chưa đúng, chưa sát thực tế, trong đó có cả đơn vị ở Trung ương. Thời gian tới, bộ sẽ làm việc với WHO để có dự báo về tình hình dịch bệnh.

Từ nay đến cuối năm và năm 2022, khi cả nước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, thì dịch bệnh có dấu hiệu tăng trở lại ở một số địa phương. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Y tế liên tục chỉ đạo địa phương tăng cường ứng phó.

"Có một số nguyên nhân khác là miền Bắc vào mùa lạnh, dịp Tết có nhiều hoạt động đông người, nên chúng tôi quan ngại về việc này" - ông Long nói.

Người đứng đầu ngành Y tế khuyến cáo các địa phương cần hết sức quan tâm phòng, chống dịch từ nay đến cuối năm và đầu năm 2022, đồng thời, cần đẩy nhanh phủ vaccine. “Cuối năm 2021 và đầu năm 2022 thì chống dịch vẫn là trọng tâm ưu tiên” - ông Long cho hay.

"Cùng một cấp độ dịch, biện pháp không nên khác nhau quá nhiều"

Cũng tại hội trường sáng 10.11, trước việc nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề Hà Nội hiện nay áp dụng một số biện pháp cao hơn các nơi khác trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) đã giơ biển tranh luận.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: Quốc hội

Bà Hà cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phụ thuộc diễn biến dịch bệnh, năng lực y tế, khu cách ly tập trung... từng địa phương đưa ra giải pháp phù hợp phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn tốt nhất cho người dân, phòng chống lây lan trong cộng đồng.

Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, đặc biệt công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng dịch về và F1. Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng không rõ nguồn lây. Hôm qua (9.11), thành phố phát hiện 222 ca bệnh, trong đó 105 ca ngoài cộng đồng. Dự báo tình hình dịch bệnh của Hà Nội diễn biến phức tạp, khó lường.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch và cách ly, thích ứng linh hoạt với tình hình địa phương" - bà Hà nói.

Làm rõ hơn vấn đề mà đại biểu Hà vừa nêu liên quan đến biện pháp phòng chống dịch của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước nên mọi quyết định, chính sách phải được đánh giá kỹ lưỡng. Bộ đồng tình các giải pháp chống dịch được thực hiện linh hoạt với từng địa phương, địa bàn theo hướng dẫn chung.

Theo bộ trưởng, Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng nêu chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả theo đặc thù từng địa phương, nguy cơ dịch bệnh và khả năng của hệ thống y tế trên địa bàn... Trên cơ sở đánh giá nguy cơ, các địa phương điều chỉnh dần biện pháp phòng chống dịch phù hợp, đồng bộ.

"Tôi lưu ý cùng một cấp độ dịch bệnh thì biện pháp không nên khác nhau quá nhiều" - Bộ trưởng Bộ Y tế nêu quan điểm và mong muốn Thủ đô sẽ quản lý việc phòng chống dịch tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn